Nghề nông thôn và việc làm, thu nhập, xây nông thôn mới

Cập nhật, 17:34, Thứ Năm, 10/10/2019 (GMT+7)

Điểm chung của nhiều lớp dạy học nghề cho lao động nông thôn là đem đến cái nghề người dân cần để họ có nghề, có việc làm cho mình, hay gia công cho công ty, làm thuê cho doanh nghiệp để nâng thêm thu nhập.

Lớp dạy nghề sinh vật cảnh tại xã Hiếu Phụng đang học lý thuyết.
Lớp dạy nghề sinh vật cảnh tại xã Hiếu Phụng đang học lý thuyết.

Lớp dạy nghề chăm sóc cây kiểng (sinh vật cảnh) ở xã Hiếu Phụng khai giảng hôm 24/9 ở ấp Hiếu Hiệp quy tụ 19 học viên là nông dân, người hưu trí, người tuổi trung niên đam mê hoa kiểng.

Có mặt từ buổi học đầu tiên, chú Phạm Văn Bé Tư hồ hởi: “Học rồi áp dụng làm (thiết kế cây cảnh- PV) cho nhà mình trước. Song nếu tay nghề tốt, bà con biết thì thuê mình làm luôn”. Chuyên chơi mai vàng, chú Tư nói đã có chút kinh nghiệm các năm qua.

Lớp học này không chỉ người trong độ tuổi được tham gia đào tạo theo quy định “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956), mà một số chú bác hưu trí, ngoài tuổi lao động như chú Bé Tư cũng dự thính để thỏa đam mê.

Ông Huỳnh Văn Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Hiếu Phụng- cho biết, lớp dạy nghề này là mở theo nhu cầu của người dân.

Chính quyền đoàn thể xã qua điều tra khảo sát đến ấp, thấy người dân cần học nghề gì thì đề xuất ngành chức năng phối hợp về mở lớp. Như ở Hiếu Hiệp mở lớp sinh vật cảnh, còn trên ấp Quang Phú, bà con có nhu cầu nghề chăn nuôi, ngay sau đó sẽ mở lớp dạy chăn nuôi bò hoặc gà, vịt.

Ông Nguyễn Văn Mười Một- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Vũng Liêm nhìn nhận tương tự: tùy điều kiện từng địa bàn và nhu cầu nguyện vọng người dân mà đơn vị xin ý kiến phối hợp mở các lớp đào tạo nghề nông thôn phù hợp.

Ở huyện thì năm nay các xã đã mở những lớp dạy nghề chăn nuôi (bò, dê, gà, vịt xiêm Pháp, lươn) và các lớp nghề trồng trọt (cam sành, bưởi da xanh).

Ông Võ Hoàng Vân- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Vũng Liêm cho biết, cơ bản đến nay các lớp dạy nghề nông thôn đã mở giáp đến các xã. Cũng chính vì vậy, nguồn lao động trong tuổi học nghề theo quy định không còn nhiều. “Đối tượng để vận động học nghề nông thôn (trong các năm qua) gần như bão hòa”.

Năm 2019, chỉ tiêu giao đơn vị phối hợp, tổ chức dạy nghề cho 600 lao động nông thôn. Hết quý III, đơn vị mở được 19 lớp dạy nghề với gần 400 học viên. 7/12 lớp đã kết thúc khóa học, các lớp còn lại đến cuối tháng 10 đầu tháng 11 sẽ hoàn thành.

Ông Trần Thanh Phong- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TX Bình Minh thông tin, đến nay đơn vị đã phối hợp mở nhiều lớp nghề may công nghiệp, đan đát.

Lợi thế là khu công nghiệp trên địa bàn có công ty chuyên may mặc cộng với nhu cầu của bà con dân tộc Khmer muốn học nghề may, đan để có thu nhập nhanh... nên các lớp nghề này chiếm đa số. Tính đến nay, lớp nghề và số học viên đào tạo của đơn vị đã đạt kế hoạch.

Trồng nấm rơm cũng là nghề nông thôn có nhu cầu cao ở Vũng Liêm vì huyện có trữ lượng rơm nhiều...
Trồng nấm rơm cũng là nghề nông thôn có nhu cầu cao ở Vũng Liêm vì huyện có trữ lượng rơm nhiều...

Theo ngành chức năng, trong 8 địa bàn cấp huyện với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đến nay có 2 đơn vị cơ bản hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các địa bàn còn lại khó khăn chung do thiếu nguồn lao động, khó vận động người học dẫn đến tiến độ mở lớp ít.

Từ thực tế nghề nông thôn, nhiều ý kiến từ người học lẫn chính quyền đoàn thể được chúng tôi ghi nhận: đề án cuối năm 2020 kết thúc, nên nếu được, cơ quan hữu trách tiếp tục mở rộng bằng cơ chế nào đó (đối tượng học nghề, ngành nghề đào tạo) để thêm chọn lựa học và làm nghề cho bà con.

Bởi về cơ bản, đào tạo nghề để người học có nghề, có việc làm, nâng tỷ lệ lao động làm việc qua đào tạo, tạo thêm thu nhập... là một trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần vào việc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: MINH THÁI