Lo ngại nguồn nước bất lợi cho vụ Đông Xuân

Cập nhật, 05:27, Thứ Ba, 29/10/2019 (GMT+7)

Theo kế hoạch, từ ngày 1- 21/11 Vĩnh Long sẽ xuống giống đợt 2 lúa Đông Xuân 2019- 2020. Đây cũng là đợt xuống giống chính với khoảng 35.000ha xoay quanh con nước rằm tháng 10 âl.

Mặc dù theo dự báo, con nước triều cường lần này không cao bằng triều cường vào đầu tháng 9 âl, nhưng vẫn ở mức cao trên báo động 3. Chưa kể, triều cường mà gặp mưa lớn có thể gây ngập lụt, ảnh hưởng sản xuất.

Lúa Đông Xuân: đầu vụ lo dư nước, cuối vụ lại lo thiếu nước.
Lúa Đông Xuân: đầu vụ lo dư nước, cuối vụ lại lo thiếu nước.

Xuống giống ngại triều cường

Con nước triều cường đầu tháng 9 âl được dự báo ở mức thấp nhưng lại dâng cao bất thường và gây nhiều ảnh hưởng cho sản xuất và dân sinh.

Nhiều diện tích lúa Thu Đông giảm năng suất do không kịp thu hoạch chạy lũ. Trong đó, đáng kể nhất là tại huyện Long Hồ có 329ha lúa Thu Đông bị ngập. Trong đó, thiệt hại nặng (từ 30- 50%) là 185ha, thiệt hại một phần (dưới 30%) là 144ha.

Ông Đặng Thanh Nhã- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Quới (Long Hồ)- cho biết, toàn xã có 209ha lúa thu hoạch trong và sau lũ. Trong số này có 110ha lúa bị ngập và diện tích lúa Thu Đông bị thiệt hại năng suất lúc thu hoạch là 37ha.

Còn theo ông Đặng Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới (Long Hồ), diện tích lúa Thu Đông bị ngập là 195ha, trong đó có 155ha bị ảnh hưởng năng suất khi thu hoạch.

Để chuẩn bị ứng phó những đợt triều cường bảo vệ sản xuất lúa Đông Xuân, bên cạnh việc gia cố bờ bao, cống đập, hai địa phương trên cũng đã chuẩn bị phương án bơm tát khi xảy ra úng ngập do triều cường, mưa lớn, không để bị động như ở vụ Thu Đông vừa qua.

Theo thông báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, đỉnh triều cao nhất trên các sông, rạch trong tỉnh có thể xuất hiện trong các ngày 28- 29/10 (nhằm ngày 1- 2/10 âl) ở mức trên báo động 3 từ 0,05- 0,25m, tại Mỹ Thuận 1,95- 2,05m, tại Cần Thơ 2- 2,1m.

Do đó, cần đề phòng triều cường kết hợp với mưa lớn có thể gây ngập lụt ở các vùng ven sông, trũng thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt: cấp 3.

Để chủ động ứng phó với kỳ triều cường này và các kỳ triều cường tiếp theo trong năm nay, mới đây Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành công văn hỏa tốc đề nghị ban chỉ huy các sở, ngành tỉnh và các địa phương chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai trong mùa mưa, bão từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh các giải pháp đảm bảo dân sinh, cần tăng cường kiểm tra, chủ động gia cố hệ thống đê bao, cống, đập, nạo vét, khai thông cống rãnh, vận hành các trạm bơm, máy bơm tiêu thoát nước để chống ngập úng…

Đặc biệt, tổ chức tuần tra, canh gác, chuẩn bị, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay từ giờ đầu sự cố.

Tính đến tuần cuối tháng 10, diện tích lúa Thu Đông đã thu hoạch là 34.042ha, chiếm hơn 72% tổng diện tích, năng suất 5,5 tấn/ha. Bên cạnh, trà lúa Đông Xuân sớm đã xuống giống 6.828ha, chủ yếu giai đoạn mạ- đẻ nhánh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), để phòng tránh tình trạng ngập úng do lũ, triều cường cho diện tích lúa Đông Xuân 2019- 2020 phải thực hiện đồng bộ các công việc cụ thể như gia cố đê bao, cống đập, đào rãnh thoát nước để chủ động rút nước kịp thời khi có mưa lớn, đối với những ruộng không chủ động nguồn nước thì phải chuẩn bị sẵn máy bơm.

Cuối vụ lo khô hạn

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2019- 2020, mới đây Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm ở các khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10- 30%. Dòng chảy trên các sông từ tháng 11/2019- 4/2020 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20- 50%.

Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019- 2020. Đặc biệt, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL sẽ ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019- 2020 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt.

Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất.

Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, Bộ trưởng yêu cầu chỉ đạo xuống giống sớm lúa Đông Xuân ở các địa phương khả năng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Bài, ảnh: THÀNH LONG