Góc nhìn

GDP tăng trưởng cao nhưng vẫn còn nguy cơ

Cập nhật, 13:48, Thứ Ba, 08/10/2019 (GMT+7)

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội (KT-XH) năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Báo cáo kinh tế 9 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng 6,98%- đã đạt cao nhất trong vòng 9 năm gần đây; riêng quý III đạt con số kỷ lục là 7,31%.

Theo nhiều chuyên gia, những kết quả đạt về KT-XH trong 9 tháng qua là tích cực, tuy nhiên, điều đáng nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tình hình KT-XH năm 2019 cũng chỉ ra 8 hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thật sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.

PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng nút thắt của nền kinh tế hiện nay chủ yếu là do năng suất chất lượng kém, nặng về mặt số lượng mà chưa đi sâu vào chất lượng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng đầu tư công giải ngân chậm, mà ở Việt Nam đầu tư công lại rất quan trọng cho phát triển kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng là điểm mà Việt Nam rất cần đột phá, kết cấu hạ tầng hiện nay không chỉ bao gồm truyền thống mà nó bao gồm cả hạ tầng số...

Các chuyên gia cho rằng, để duy trì tăng trưởng, cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho cải cách.

Trong đó, phải xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những bất ổn từ bên ngoài, quản lý dòng vốn nước ngoài không cho vào quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá cần thận trọng, linh hoạt hơn.

Cần tiếp tục cải cách nền tảng kinh tế vi mô thông qua ban hành kịp thời các hướng dẫn thi hành luật, tránh nợ đọng. Cải thiện môi trường kinh doanh. Tư duy mở hơn với các vấn đề mới như cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số…

AN HƯƠNG