Tìm đầu ra cho các sản phẩm của HTX trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt

Cập nhật, 21:43, Thứ Ba, 10/09/2019 (GMT+7)

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động xây dựng đề án thông tin xúc tiến thương mại chuyên sâu, đặc biệt là sản phẩm để xuất khẩu.

Tăng cường liên kết - phát triển kinh tế hợp tác xã bền vững.
Tăng cường liên kết - phát triển kinh tế hợp tác xã bền vững.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tăng cường liên kết - phát triển kinh tế hợp tác xã bền vững” sáng nay (10/9), tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đưa ra giải pháp, tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Tại tọa đàm các đại biểu cho biết, cả nước hiện nay có trên 23.000 hợp tác xã, với gần 8 triệu thành viên, trong đó có hơn một nửa là các hợp tác xã về nông nghiệp. Các hợp tác xã đã và đang trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 30 triệu người. Thời gian qua, năng lực quản trị của các hợp tác xã đã có nhiều tiến bộ về quy mô chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Theo đó, các hợp tác xã không chỉ giảm chi phí sản xuất của các hộ gia đình thành viên mà còn làm tăng giá trị thu nhập 14%/năm. Hầu hết các hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tại nhiều địa phương hợp tác xã đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vận tải đường bộ…

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vai trò của thành phần kinh tế này hiện chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.

“Kinh tế hợp tác xã tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đó là hiện số lượng hợp tác xã phát triển chưa mạnh, chất lượng và hiệu quả chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp, khu vực này đóng góp cho GDP và ngân sách nhà nước còn thấp” - ông Thịnh nói.

Trao đổi tại tọa đàm các đại biểu đã cùng thảo luận về những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; đánh giá hoạt động của các mô hình hợp tác kiểu mới tại các địa phương, các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tìm giải pháp tìm kiếm thị trường đầu ra, kết nối cung cầu… cho các hợp tác xã.

Các đại biểu cho rằng, để tăng cường liên kết phát triển kinh tế hợp tác xã một cách bền vững thì cần thiết phải rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ các vấn đề khó khăn như về: Tiếp cận các nguồn tín dụng, hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, hạ tầng phục vụ chế biến bảo quản và thương mại. Tập trung xây dựng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương để tìm đầu ra cho sản phẩm thì việc tăng cường xúc tiến thương mại là rất cần thiết. Hiện Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang chủ động phối hợp hướng dãn Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện các đề án hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu, năng lực của các doanh nghiệp và hợp tác xã.

“Cần thiết phải tăng cường phối hơp với Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố trong đó chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng miền, ngành hàng, kết nối cung cầu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động phối hợp xây dựng các đề án thông tin xúc tiến thương mại chuyên sâu về mặt hàng hay thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu” - ông Chiến nêu rõ./.

Theo VOV