Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Cập nhật, 11:15, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 53 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80.000- 100.000 DN có hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả trong nông nghiệp.

Khoai lang là một trong các loại cây trồng chủ lực của Vĩnh Long và tỉnh rất chú trọng khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để tăng giá trị sản phẩm ngành hàng này.
Khoai lang là một trong các loại cây trồng chủ lực của Vĩnh Long và tỉnh rất chú trọng khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để tăng giá trị sản phẩm ngành hàng này.

“Trụ cột” DN nông nghiệp

Nghị quyết 53 khẳng định, nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cần khai thác, đặc biệt là quỹ đất, nguồn nhân lực và tận dụng cơ hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính phủ xác định DN nông nghiệp có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt khá, năng suất, chất lượng và hiệu quả không ngừng được nâng cao.

Trong đó, phải kể đến những thành tựu nổi bật như Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông- lâm- thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Những thành tựu quan trọng đó được đánh giá là nhờ việc ban hành các chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các thiết chế thuộc khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như: DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ.

Trong đó, các DN đang là “trụ cột”, đầu tàu thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Nghị quyết đánh giá, hiện nay, nhiều DN, tập đoàn lớn đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có những DN hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, lúa gạo, cà phê…

Hệ thống DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50.000 DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó có khoảng 10.200 DN trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông- lâm- thủy sản.

Tuy nhiên, sự phát triển của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số DN trên cả nước, trong đó số DN nông lâm, thủy sản chiếm 1%.

Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp còn hạn chế, chỉ bằng khoảng 38% năng suất lao động bình quân chung cả nước và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Trình độ khoa học và công nghệ của các DN còn thấp. Thị trường tiêu thụ không bền vững; kênh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với các nhà phân phối bán lẻ lớn còn hạn chế; số DN tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít; rào cản về kỹ thuật, chất lượng của thị trường quốc tế ngày càng khắt khe…

Trao quyền cho thị trường

Vĩnh Long hiện có một số doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng nông sản xuất khẩu, tạo liên kết với nông dân bao tiêu đầu ra.
Vĩnh Long hiện có một số doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng nông sản xuất khẩu, tạo liên kết với nông dân bao tiêu đầu ra.

Từ những thực trạng đó, Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản đạt khoảng 6- 8 %/năm.

Đến năm 2030 có 80.000- 100.000 DN có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000- 4.000 DN có quy mô lớn và 6.000- 8.000 DN quy mô vừa.

Nghị quyết đưa ra nhiều nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, mà tinh thần là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong thời gian qua, nhưng không thể bằng lòng với những gì đã đạt được, vì sắp tới ngành nông nghiệp phải đối mặt với 3 thách thức lớn.

Đó là, năng suất của nền kinh tế Việt Nam vẫn kém vì chủ yếu là nông nghiệp hộ nhỏ lẻ manh mún, để tiến lên nền nông nghiệp hiện đại còn rất nhiều khó khăn; thứ hai, Việt Nam chịu tổn thất lớn nhất từ biến đổi khí hậu; và vì đã chấp nhận cuộc chơi toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con để hoàn thiện thể chế, tập trung cải cách hành chính..., cùng các DN tư nhân tiếp tục tạo nên một bức tranh nông nghiệp Việt Nam mới trên thế giới.

Theo đó, ngành sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã- phường một sản phẩm”.

Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây.

Vĩnh Long phấn đấu giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản 6 tháng cuối năm đạt 3%

Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Sớm triển khai các chính sách hỗ trợ người dân tái chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm. Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng lúa, rau màu. Tiếp tục đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản...

Bài, ảnh: LÝ AN