Cần chỉn chu, chuyên nghiệp "chiếc áo" thương hiệu

Cập nhật, 08:01, Thứ Sáu, 12/07/2019 (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu.

“Để có thể tồn tại và phát triển trong thời buổi kinh tế hội nhập như hiện nay mỗi doanh nghiệp (DN) cần có những chiến lược phát triển kinh doanh, chiến lược xây dựng thương hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay tỉnh vẫn chưa có chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu”- đó là đánh giá của Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời về vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu của các DN trong tỉnh hiện nay. Vậy, DN cần phải làm gì để tạo thương hiệu riêng cho mình?

DN: còn làm lơ với thương hiệu

Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu là vấn đề được đặt lên hàng đầu khi bắt đầu kinh doanh bởi đó không chỉ đơn thuần là một cái tên mà còn chứa đựng ý nghĩa, thông điệp mà DN hướng đến khách hàng. DN sở hữu thương hiệu mạnh sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.

Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế (TP Hồ Chí Minh)- Nguyễn Thanh Tân cho rằng: thương hiệu mạnh là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến, yêu thích và sẵn sàng mua sản phẩm với giá cao hơn so với thương hiệu khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tân, thời gian qua, nhận thức của DN về việc phát triển thương hiệu còn hạn chế. Nhiều DN vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa.

Lý giải về thực trạng trên, ông Tân cho rằng, nguyên nhân là do phần lớn các DN còn hạn chế về nhiều mặt, trong đó có hạn chế về nguồn lực tài chính nên chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Bên cạnh đó, còn không ít DN có quan niệm việc xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những DN lớn.

Về vấn đề này, ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh nhận định: Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mang lại cho DN Vĩnh Long nhiều cơ hội, thách thức, đặc biệt là trong vấn đề sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu.

Thực tế đó đòi hỏi mỗi DN cần có những chiến lược phát triển kinh doanh, chiến lược xây dựng thương hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu phù hợp,… để có thể tồn tại và phát triển.

Theo đó, từ nhiều năm nay UBND tỉnh đã chú trọng đến vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu bằng nhiều chương trình hành động thiết thực. Qua đó, đã góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh và giúp một loạt thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường như: bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, gốm đỏ Vĩnh Long, nước mắm Gia Hỷ, gạo Phước Thành, bánh kẹo Sơn Hải, bún Ba Khánh,...

Tuy nhiên, cho đến nay tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa có chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu DN của tỉnh. Các chương trình được tổ chức còn riêng lẻ, chỉ hỗ trợ cho những DN có vốn đối ứng tham gia hoặc chỉ dành cho nhóm các DN chủ động tiếp cận những giải pháp mới về thị trường.

Mặt khác, các chương trình đã triển khai phần lớn đều tập trung hỗ trợ cho từng DN, chưa mang tính chiến lược tổng thể của địa phương, chưa có tiêu chí chung về xây dựng phát triển thương hiệu mạnh, chưa trở thành chương trình xuyên suốt hỗ trợ cho cộng đồng DN Vĩnh Long.

Qua khảo sát 70 DN trên địa bàn tỉnh, có 15% DN không có sự đổi mới, cải tiến sản phẩm mỗi năm; 35% DN có lãnh đạo chưa tham gia khóa đào tạo về thương hiệu; 52% DN không có nhân sự chuyên trách marketing; 63% nhân sự phụ trách marketing tại các DN chưa được đào tạo chuyên môn; 74% DN đầu tư cho marketing mỗi năm dưới 50 triệu đồng (còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của từng thương hiệu và ngành hàng).

Thương hiệu: phải tạo sự khác biệt

Theo các chuyên gia, thương hiệu không đơn giản chỉ ở một cái tên, mà trong đó phải chứa chất xám về chất lượng, mẫu mã, công dụng,… của sản phẩm. Nếu không coi chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết quan trọng nhất, là nền tảng thì rất khó để xây dựng được thương hiệu và nếu xây dựng được thì cũng sẽ đánh mất trong một sớm một chiều.

Ông Nguyễn Thanh Tân cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn bởi có nhiều sản phẩm tương đồng về chất lượng, đặc tính. Do đó, để xây dựng thương hiệu, phải tạo sự khác biệt, nếu không làm thì sẽ tạo ra sản phẩm giống “hàng xóm” dễ lẫn vào đám đông. Sản phẩm là cơ sở của thương hiệu. Vĩnh Long có nhiều sản phẩm tốt đặc biệt là khai thác tiềm lực của địa phương nhưng thiếu nhân lực.

Do đó, bên cạnh việc đào tạo nhân lực, nhân sự chuyên trách, ông Tân lưu ý: Khi xây dựng thương hiệu, DN Vĩnh Long cần phải không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, có sự đột phá trong sản phẩm hàng năm; thiết kế lại hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, “chiếc áo thương hiệu” cần chỉn chu, chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, đảm bảo nhãn hiệu được bảo hộ (đăng ký độc quyền), đầu tư cho marketing, hoạch định chiến lược thương hiệu, kinh doanh, xây dựng hệ thống phân phối đa kênh,...

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy rằng muốn xây dựng thành công một thương hiệu cho sản phẩm của mình phụ thuộc rất lớn vào tư duy của người đứng đầu DN.

Khi người đứng đầu có cách hiểu đúng và ý thức tốt về xây dựng thương hiệu thì sẽ có một chiến lược đúng đắn, mục tiêu kinh doanh và hành động cụ thể. Đồng thời, DN cần chia sẻ về mục tiêu xây dựng thương hiệu đến từng vị trí công việc, để họ có thể nắm bắt được và ý thức rõ ràng, chỉ khi có một sản phẩm tốt thì mới có một thương hiệu tốt và phát triển.

Bún Ba Khánh- một trong những thương hiệu tiêu biểu của tỉnh.
Bún Ba Khánh- một trong những thương hiệu tiêu biểu của tỉnh.

Và để hỗ trợ cho DN, ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Thời gian tới, sẽ tăng cường tuyên truyền nhận thức về thương hiệu trong DN, giúp DN hiểu được lợi ích của xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ làm chiến lược, kế hoạch xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm hiểu công nghệ, phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giữa các DN trong tỉnh với các tổ chức thương mại.

Để đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu cho các DN, tỉnh đã xây dựng đề tài “Xây dựng và phát triển thương hiệu DN tỉnh Vĩnh Long”. Đề tài được giao cho Sở Khoa học- Công nghệ phối hợp với Viện Quản trị quốc tế thực hiện. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2018 đến hết tháng 5/2020. Mục tiêu xây dựng thương hiệu đến năm 2020 là phấn đấu có ít nhất 20 DN của tỉnh đạt được thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng, cấp quốc gia.

Khi đăng ký tham gia xét chọn thương hiệu mạnh DN Vĩnh Long 2019- 2020, DN còn được các quyền lợi về tư vấn chiến lược phát triển thương hiệu như hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp thương mại về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; được hỗ trợ thiết kế bao bì, logo khi có nhu cầu thay đổi hoặc làm mới; quyền lợi về phát triển đội ngũ chuyên trách; quyền lợi về truyền thông thương hiệu. Sau khi được vinh danh là thương hiệu mạnh Vĩnh Long 2019-2020 DN được toàn quyền sử dụng logo, chứng nhận, cúp vàng chương trình để quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bài, ảnh: THẢO LY