Phấn đấu về đích với chất lượng cuộc sống nâng cao

Cập nhật, 16:54, Thứ Tư, 22/05/2019 (GMT+7)

 

CLB khuyến nông nuôi dê đang phát triển mở rộng tại ấp Bình Điền.
CLB khuyến nông nuôi dê đang phát triển mở rộng tại ấp Bình Điền.

Xác định xây nông thôn mới (NTM) chính là nâng cao đời sống nhân dân, xã Bình Ninh (Tam Bình) đang tập trung các giải pháp nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tổ chức lại sản xuất, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập...

Xã quyết tâm “cán đích” nông thôn mới trong năm nay và tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong những năm tiếp theo.

Tận dụng phụ phẩm để tiết kiệm chi phí

Phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi tổng hợp đã giúp gia đình anh Nguyễn Thái (ấp Bình Điền, xã Bình Ninh) có điều kiện vươn lên khấm khá. Hiện, anh đang nuôi 3 ao ếch thịt, 25 vèo ếch giống. Bên cạnh, anh còn nuôi thêm các loại cá, rắn ri cá và dê.

Hỏi về việc chăn nuôi khá nhiều loại, anh Thái cho biết: Mô hình này khởi nguồn từ con ếch và con dê. Theo đó, tận dụng phế phẩm ếch thay da và thức ăn thừa của ếch, phân ếch và phân dê để làm thức ăn cho cá trê, cá tai tượng...; còn ếch bị hao hụt, ếch dạt thì có thể tận dụng nuôi rắn, nhờ vậy mà giảm được đáng kể chi phí
thức ăn.

Về mô hình nuôi dê thì tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cỏ, rau củ quả hư giập... nên không tốn nhiều chi phí, chủ yếu chỉ “bỏ công làm lời”. Hiện, anh Thái là Tổ trưởng CLB khuyến nông nuôi dê với 19 thành viên tham gia, đang phát triển chăn nuôi 380 con dê.

Là 1 trong 6 hộ dân trong ấp được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ đổi giống mới, anh Thái đã mua 5 con dê con (giống Boer) về để thay thế dần cho đàn dê hiện có. Theo anh Thái, nếu chỉ nuôi 1- 2 con dê thì thu nhập không có bao nhiêu, nên nhiều người nuôi sẽ nản. Chính vì vậy, khi đã quyết định đầu tư nuôi thì nên nuôi với số lượng nhiều sẽ thấy nguồn thu cao đáng kể.

Đến nay, đàn dê của anh Thái đã phát triển lên đến 80 con, giá bán dê thịt khoảng 102.000 đ/kg (mỗi con khoảng 35kg), dê con (từ 15kg trở xuống) thì giá 120.000 đ/kg nên “tui sống khỏe re”- anh Thái khoe.

Hiện, giá cá tai tượng khoảng 45.000 đ/kg, còn rắn ri cá có giá khoảng 500.000 đ/kg, ếch Thái Lan khoảng 35.000 đ/kg, chủ yếu là bán trực tiếp cho các bạn hàng ở chợ nên giá luôn nhỉnh hơn so với bán cho thương lái. Anh Thái dự kiến: Sẽ sửa lại vườn để trồng bưởi Năm Roi vì tận dụng phân dê để trồng cây có múi thì “hết sẩy”.

Mô hình nuôi ếch Thái Lan đang đem lại nguồn thu nhập khá cho anh Thái.
Mô hình nuôi ếch Thái Lan đang đem lại nguồn thu nhập khá cho anh Thái.

Tăng gia sản xuất để nâng thu nhập

Đầu năm 2018, toàn xã Bình Ninh có 187 hộ nghèo, chiếm 6,7%; hộ cận nghèo là 125 hộ, chiếm 4,5%. Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, xã chỉ đạo các ấp hướng các hộ nghèo, cận nghèo học nghề, vay vốn phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đến cuối năm toàn xã còn 77 hộ nghèo (trong đó có 24 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội), chiếm 1,9%; còn 104 hộ cận nghèo, chiếm 3,7%.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- Nguyễn Văn Sơn cho biết: Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,09 triệu đồng/năm. Để đạt theo lộ trình năm 2019 là 45 triệu đồng/người/năm, xã đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa trên địa bàn xã; vận động nhân dân thực hiện các mô hình kinh tế: Trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn kém hiệu quả, nuôi thủy sản có hiệu quả cao.

Đồng thời, vận động nông hộ tăng gia sản xuất, làm kinh tế, nhân rộng các hình thức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt hiệu quả cao; khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống, ngành mới trên địa bàn xã như: đan lục bình, đan ghế, may gia công...; khuyến khích các đối tượng có tay nghề tham gia lao động tại các công ty, xí nghiệp hoặc dịch vụ lao động khác. Đối tượng chưa có tay nghề thì tham gia học nghề phát triển mới.

Theo ông Tô Văn Huynh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, để tổ chức lại sản xuất, xã đang hình thành nhiều mô hình kinh tế hợp tác. Bên cạnh, CLB khuyến nông nuôi dê, phải kể đến tổ hợp tác cam sành đang có đầu ra ổn định. Trong năm nay, xã còn triển khai xây dựng chuỗi giá trị 55ha cam sành do Trung tâm Giống (Sở Nông nghiệp- PTNT) hỗ trợ 30% giống với hơn 40 hộ tham gia.

Đến nay, xã đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty Lương thực Vĩnh Long thực hiện mô hình “cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa” với tổng diện tích 123,5ha. Đồng thời, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp với Công ty ADC và hợp đồng lúa giống với trung tâm giống.

Với các giải pháp đề ra, xã Bình Ninh đang nỗ lực từng ngày để đưa xã về đích nông thôn mới vào cuối năm nay với chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng cao.

Toàn xã Bình Ninh có 6 làng nghề đan lục bình, giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.245 lao động; xã có 24 tổ hợp tác sản xuất, trong đó 21 tổ trồng lúa, 1 tổ trồng cam, còn lại là phi nông nghiệp. Hiện, HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (ấp An Hòa A) có 12 thành viên tham gia với tổng vốn điều lệ 490 triệu đồng, ngành nghề chủ yếu là đan khung, thảm bằng dây lục bình, liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm và cung ứng vật tư.

 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI