Doanh nghiệp "xoay trở" khi giá điện, xăng dầu tăng

Cập nhật, 17:05, Thứ Năm, 18/04/2019 (GMT+7)

Từ giữa tháng 3/2019, giá điện đã được điều chỉnh tăng thêm 8,36%, giá xăng dầu cũng tăng nhẹ đã làm chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tăng lên theo. Các DN cho biết phải xoay trở trong khó khăn và tìm nhiều cách để tiết giảm chi phí.

Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh cũng xoay trở nhiều cách tiết kiệm điện.
Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh cũng xoay trở nhiều cách tiết kiệm điện.

 Xoay trở với giá điện tăng

Là DN trong lĩnh vực xay xát chế biến gạo nội địa và xuất khẩu, nhu cầu về điện rất lớn vận hành hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của DN.

“Mỗi năm chi phí tiền điện của DN gần 30 tỷ đồng, tính mỗi tháng bình quân DN phải trả trên 2 tỷ đồng, khi giá điện tăng 8,36% thì phải chi thêm 200 triệu đồng/tháng. Đây là con số chi phí không nhỏ đối với DN”- ông Thành nhẩm tính.

Trong khi đó, nhiều hợp đồng bán gạo đã được DN ký kết từ đầu năm với đối tác không thể điều chỉnh theo giá điện tăng. Mặt khác, cùng với xăng dầu tăng giá cũng khiến chi phí vận chuyển điều chỉnh tăng theo và DN phải gánh những chi phí tăng thêm đó.

“DN chúng tôi phụ thuộc 100% vào điện, không có điện là nghỉ, có điện phải làm bù”- ông Điền Hòa Tâm- Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí- Thương mại- Xây dựng Mười Tâm cho biết. Với đặc thù ngành cơ khí dù giá điện lên bao nhiêu DN cũng phải làm và chấp nhận chi phí tăng.

Theo ông: “Mỗi tháng DN thanh toán hóa đơn 8-9 triệu đồng, nay giá điện tăng hàng tháng mất thêm cả triệu đồng.

Trong khi đó, sản phẩm có thể điều chỉnh tăng theo giá điện đối với khách vãng lai, còn khách hàng thường xuyên của DN vẫn phải tính giá cũ theo hợp đồng. Hơn nữa, chi phí vận chuyển cũng đã tăng theo giá xăng dầu, sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận, khả năng cạnh tranh của DN khi giá thành đội lên quá cao”.

Công ty Mười Tâm cho biết hoạt động của DN không thể thiếu điện.
Công ty Mười Tâm cho biết hoạt động của DN không thể thiếu điện.

Đó cũng là tình hình khó khăn chung của nhiều DN ảnh hưởng trực tiếp từ giá điện, xăng dầu tăng giá và cả những ảnh hưởng gián tiếp.

Ông Nguyễn Minh Tiến- Giám đốc Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh Vĩnh Long- cho rằng: “Ngoài ảnh hưởng trực tiếp, DN còn chịu tác động gián tiếp khi các mặt hàng nguyên liệu, vật tư, phí vận chuyển sản phẩm cùng tăng giá.

Trong khi DN phải giữ ổn định giá cho khách hàng, muốn điều chỉnh tăng giá sản phẩm là phải có điều kiện, vì sự cạnh tranh ngành in rất lớn”. Hiện nay, theo ông, giá điện được tính theo 3 mức: giờ thấp điểm, giờ cao điểm và giờ bình thường, giải pháp của DN là phải cố gắng “né” sản xuất giờ cao điểm.

Giải pháp thường xuyên và lâu dài

Các DN cho biết, sử dụng điện tiết kiệm là việc làm thường xuyên của DN, người lao động cũng đã rất ý thức. Bên cạnh, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng: “DN phải làm mọi cách để tiết kiệm điện, như bố trí lao động làm thêm những giờ không phải cao điểm.

Những bộ phận sử dụng điện ít thì không thay đổi, còn các bộ phận sử dụng nhiều điện thì phải né giờ cao điểm để giảm chi phí. Có những thiết bị mỗi lần khởi động mất cả tiếng đồng hồ, khi đã khởi động rồi thì phải cho máy làm liên tục, chớ không để máy chạy tiêu hao điện mà không có sản phẩm như trước đây”.

Ông Điền Hòa Tâm cho rằng, trong điều kiện giá điện tăng, máy móc hoạt động không thể thiếu điện, nhưng “không thể thấy giá điện lên là phải thay đổi máy móc, thiết bị tiết kiệm điện được.

Vì từ những năm trước DN đã đầu tư thiết bị hiện đại, đắt tiền. Ngành cơ khí gia công chi tiết, công suất máy 1 tiếng ra sản phẩm là phải chạy 1 tiếng chứ không rút ngắn”. Do đó, theo ông Tâm, giải pháp sử dụng là nâng cao ý thức tiết kiệm, thiết bị điện không sử dụng điện thì tắt đi, kể cả 1 cái bóng đèn.

Công ty Phước Thành IV thời gian qua đã đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất.
Công ty Phước Thành IV thời gian qua đã đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất.

Đầu tư công nghệ hiện đại cũng là giải pháp mà Công ty Phước Thành IV đã làm từ vài năm qua. Ông Nguyễn Văn Thành cho biết: “Vấn đề tìm giải pháp tiết kiệm điện của DN chính là đầu tư công nghệ. DN phải tính kỹ lưỡng các chi phí đầu vào làm sao giảm giá thành từ ban đầu để đầu tư lâu dài, chứ không thể đợi khi giá điện tăng mới tính chuyện tiết kiệm được”.

Theo Bộ Công thương, với mức điều chỉnh tăng giá 8,36%, mỗi khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ phải trả thêm số tiền từ 7.000-77.200 đ/tháng, tùy mức dung điện của hộ gia đình.

Theo tổng hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có 25 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, trong đó, khách hàng sử dụng điện ở mức thấp rất cao. Khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 100 kWh/tháng chiếm 35,6%, khách hàng sử dụng ở mức trên 300 kWh chỉ có chưa đến 15%.

Đối với khách hàng kinh doanh, có hơn 443.000 khách hàng kinh doanh. Bình quân, mỗi khách hàng phải trả tăng thêm 500.000 đ/tháng. Đối với 1,4 triệu khách hàng sản xuất và với mức tăng giá điện này thì mỗi hộ sản xuất sẽ phải trả thêm 12,39 triệu đồng (tăng 839.000 đ/tháng).

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC