Trái cây Việt vào thị trường Mỹ

Cập nhật, 16:03, Thứ Hai, 04/03/2019 (GMT+7)

Mỹ mở cửa chính thức cho quả xoài tươi Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường này trong năm nay.

Kiểm dịch thực vật cho xoài tươi xuất khẩu tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn
Kiểm dịch thực vật cho xoài tươi xuất khẩu tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn

Đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được Mỹ "mở cửa" cho vào. Tuy nhiên, cạnh tranh tại thị trường Mỹ ngày càng gay gắt nên cần sự nỗ lực của nông dân tại các vùng trồng lẫn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

Sắp xuất khẩu lô xoài đầu tiên

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đang ráo riết chuẩn bị cho sự kiện xuất khẩu lô xoài Việt Nam đầu tiên sang Mỹ dự kiến tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 3. Lô xoài đầu tiên sang Mỹ sẽ được thu hoạch tại vùng trồng đạt chuẩn tại tỉnh Đồng Tháp.

Theo bà Ngô Tường Vy, phó giám đốc công ty, xoài có nhiều lợi thế do đã hình thành được những vùng chuyên canh với nhiều giống xoài (cát Hòa Lộc, cát chu, keo, Đài Loan…) giúp DN dễ dàng xây dựng vùng nguyên liệu.

Hiện công ty đã liên kết hình thành vùng nguyên liệu xoài xuất khẩu tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ… để sẵn sàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), cũng cho biết đã chuẩn bị vùng trồng xoài tại Vĩnh Long và Đồng Tháp cho thị trường Mỹ.

Theo ông Tùng, DN vừa xuất khẩu xoài bằng đường hàng không, vừa bằng đường biển để tiết kiệm chi phí vận chuyển.

"Với xoài, thị trường tại Mỹ rất lớn vì không chỉ bán cho người Việt hay người châu Á tại Mỹ mà còn có thể bán cho người Mỹ.

Xoài Việt Nam có chất lượng nổi bật, hương vị đặc trưng trong khi xoài đang bán tại Mỹ chủ yếu từ Nam Mỹ gần như chỉ có vị ngọt.

Nhưng xoài Nam Mỹ rất rẻ, giá bán lẻ tại Mỹ chỉ 2 USD/kg trong khi xoài Việt Nam đến Mỹ giá vốn đã lên đến 6-10 USD/kg (tùy loại)" - ông Tùng phân tích.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại và Du lịch Suối Lớn (Đồng Nai), nơi có vùng chuyên canh xoài 800 ha, cho hay các xã viên HTX rất mừng vì có thêm thị trường xuất khẩu.

"Tuy nhiên, nông dân cần được cung cấp thông tin về yêu cầu thị trường để chuẩn bị đáp ứng cũng như kết nối với các DN thu mua xuất khẩu.

Vừa qua, HTX đã kết hợp với DN để được cấp mã số vùng trồng theo quy định thị trường Úc, bước đầu xuất đi những lô hàng chất lượng, được đối tác đánh giá cao" - ông Bảo chia sẻ.

Lo thiệt hại vì cạnh tranh giá rẻ

Đến nay, thị trường Mỹ đã mở cửa chính thức cho 6 loại quả tươi Việt Nam gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài. Theo Cục Bảo vệ thực vật, bưởi là loại quả tươi tiếp theo đang được rà soát các thủ tục và phân tích nguy cơ dịch hại cho thị trường Mỹ.

Năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu của Việt Nam hơn 5.369 tấn thanh long (tăng 797 tấn so với năm 2017), gần 237 tấn chôm chôm (tăng 47 tấn so với năm 2017); vú sữa xuất khẩu năm đầu tiên đã đạt sản lượng hơn 278,5 tấn (vượt cả chôm chôm).

Đối với quả nhãn, dù tiêu thụ rất tốt tại Mỹ nhưng năm 2018 do ảnh hưởng dịch hại nên sản lượng sụt giảm và đang dần khôi phục trong năm 2019.

Bà Ngô Tường Vy cho biết năm 2018, tăng trưởng thị trường Mỹ của công ty Chánh Thu đạt hơn 30% so với năm 2017.

Mặc dù vậy, đây là thị trường khó đoán nên khó có thể dự báo tăng trưởng của năm 2019. Bà Vy thông tin thêm ngoài cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Mỹ, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước cũng khiến thị trường thiếu bền vững.

Ngoài ra, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi làm việc với nông dân ở vùng trồng dẫn đến việc phân bổ sản lượng thiếu hợp lý: khi thừa, thiếu hàng xuất khẩu.

Các chuyên gia trong ngành đã nhiều lần cảnh báo tình trạng DN Việt cạnh tranh giá rẻ sẽ khiến trái cây Việt mất uy tín, thậm chí có thể mất thị trường dù trước đó các bộ, ngành đã rất gian nan để đàm phán mở cửa. 

Sắp có thêm nhà máy chiếu xạ

Một trong những yêu cầu bắt buộc của thị trường Mỹ khi xuất khẩu quả tươi là phải qua chiếu xạ tại nhà máy đã được phía Mỹ kiểm tra, cấp mã số. Vài năm gần đây, Việt Nam chỉ có duy nhất một nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn là Sơn Sơn tại TP HCM. Điều này dấy lên lo ngại tình trạng quá tải hay nguy hiểm hơn là không có phương án dự phòng nếu nhà máy duy nhất này gặp sự cố. Vừa qua, tại Long An đã có một DN đầu tư nhà máy chiếu xạ theo tiêu chuẩn Mỹ, hiện đang trong quá trình kiểm tra cấp phép chiếu xạ trái cây tươi sang thị trường Mỹ.

Theo NLĐO