Nâng chất lượng lúa để thu hút liên kết

Cập nhật, 05:41, Thứ Ba, 12/03/2019 (GMT+7)

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất tiêu thụ hết lúa Đông Xuân 2019 cho nông dân, lãnh đạo tỉnh và các địa phương cũng tính toán giải pháp lâu dài cho ngành sản xuất, chế biến lúa gạo.

Lúa Đông Xuân 2019 tuy giá thấp, mua chậm, nhưng được tiêu thụ hết.
Lúa Đông Xuân 2019 tuy giá thấp, mua chậm, nhưng được tiêu thụ hết.

Điều chỉnh lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, kế hoạch sản xuất lúa năm 2019 toàn tỉnh có khoảng 159.000ha, trong đó vụ Đông Xuân 56.000ha, Hè Thu 53.000ha và Thu Đông 50.000ha.

Tính bình quân năng suất 5,92 tấn/ha, thì tổng sản lượng cả năm khoảng 942.000 tấn. Thực tế, vụ Đông Xuân xuống giống giảm 2.855ha, dự kiến đến cuối tháng 3/2019 thu hoạch dứt điểm, năng suất 6,7 tấn/ha, tổng sản lượng toàn vụ 367.787 tấn.

Đông Xuân là vụ ăn chắc và nông dân đặt hy vọng rất nhiều vào việc lúa được giá, trúng mùa. Tuy nhiên, giá lúa giảm từ sau tết, đến nay có tăng 100- 200 đ/kg và ở mức “trên 4.000 đ/kg nhưng dưới 5.000 đ/kg”.

Theo so sánh của nhiều nhà nông, giá lúa vụ Đông Xuân thấp hơn cùng kỳ đến hơn 20.000 đ/giạ, nên phải đạt năng suất hơn 30 giạ/công mới có lời, vì công cán, vật tư nông nghiệp đều tăng.

Chú Võ Văn Hội ở ấp Kinh Ngay (xã Hậu Lộc- Tam Bình) cho biết: “Vụ lúa này phân URE, DAP đều tăng giá cả trăm ngàn đồng/bao, thuốc tăng 15.000 đ/chai. Công cắt 240.000 đ/công, xa hơn vài cây số tăng thêm 20.000- 40.000 đ/công. Tui tính rồi, với giá lúa năm nay, người làm lúa giỏi lắm mới lời 1 triệu đồng/công, còn thường chỉ huề vốn”.

Cũng đồng tình như vậy, chú Phạm Văn Thuận cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân kịp thời. Vì trước khi thu hoạch lúa mười ngày, nửa tháng thương lái đã cho cọc rồi. Chớ để vô mùa rồi, giá giảm mới tính chuyện hỗ trợ giá thì dân khó được hưởng lợi”.

Từ khó khăn của người trồng lúa, ngành nông nghiệp tỉnh đã có giải pháp mang tính tạm thời “tăng cầu giảm cung”, theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua, mua tạm trữ để giảm nguồn cung lúa; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng: “Giải pháp lâu dài là cần điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất lúa”. Theo đó, từng địa phương đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng thay lúa và cơ cấu lại giống lúa chất lượng có khả năng xuất khẩu cao.

Ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết lúa Đông Xuân của huyện sẽ thu hoạch rộ giữa tháng 3/2019, thương lái cho cọc không bẻ kèo nhưng giá thấp, chậm cắt khiến lúa chín ngoài đồng, thu hoạch thất thoát rất nhiều.

Vì thế, hướng chỉ đạo sản xuất của huyện trong thời gian tới là tăng cường liên kết với doanh nghiệp, giãn thời gian xuống giống để tránh thu hoạch rộ, cũng như chuyển đổi từ lúa sang trồng rau màu.

Phải nâng cao chất lượng, sản xuất theo nhu cầu

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phước Thành IV- nêu kinh nghiệm thị trường: Hiện nay nhiều cánh đồng có đê bao khép kín, người dân chủ động làm lúa Đông Xuân sớm, thu hoạch trước tết thường bán giá cao.

Các vùng sản xuất cũng cần nghiên cứu sản xuất giống lúa ngon, đặc sản, để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến phục vụ tết sẽ được giá tốt hơn.

Lãnh đạo huyện Tam Bình thì cho rằng cần giúp nông dân ý thức không sản xuất lúa vụ 3, để xả lũ lấy phù sa vô đồng ruộng.

Bên cạnh, huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng các mô hình liên kết cánh đồng lớn, sản xuất lúa sạch để tạo ưu thế trên thị trường. Khi có sản phẩm sạch, an toàn thì việc kêu gọi doanh nghiệp liên kết, ưu tiên mua lúa của mình là không khó.

Thực tế, mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết với Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) của HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) thời gian qua đã cho thấy thành công nhất định.

Vụ Đông Xuân này, lúa hàng hóa của HTX vẫn được doanh nghiệp mua với giá cam kết 7.200 đ/kg, giúp nông dân có lời, yên tâm sản xuất. Trong năm 2018, lợi nhuận của HTX đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm (2 vụ), so với năm 2017 tăng hơn 9,9 triệu đồng/ha/năm; sản phẩm của thành viên được bao tiêu 100%. Đây là cơ sở để HTX hướng tới mở rộng diện tích thêm 50ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ngoài giá trị kinh tế, HTX còn làm thay đổi tập quán từ sản xuất sử dụng phân hóa học sang sản xuất sử dụng phân sinh học, môi trường được cải thiện, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, nguồn lợi thủy sản được phục hồi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom tiêu hủy đúng quy định…

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng về lâu dài cần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa và sản xuất theo nhu cầu. Cần tính toán cơ cấu giống lúa có hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước, xuất khẩu.

Chẳng hạn, giống lúa cấp thấp như ML202 (còn gọi lúa gà) còn có nhu cầu cho chế biến bún, bánh. Hay một doanh nghiệp có nhu cầu nguyên liệu giống IR 50404 làm bột chế biến các loại bánh thay bột mì.

Bên cạnh, ông Trần Hoàng Tựu lưu ý cần tính toán cơ cấu mùa vụ, không để xung đột cung cầu. Cần thiết phải xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác, cánh đồng lớn… theo hướng liên kết doanh nghiệp, xây dựng vùng sản xuất an toàn, tạo chuỗi giá trị sản phẩm.

“Sản xuất và tiêu thụ phải gắn kết, đó là con đường ổn định, lâu dài”- ông Trần Hoàng Tựu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Cần đẩy nhanh quá trình hình thành chuỗi liên kết trên cơ sở hình thành các HTX và các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp, liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đối với các tỉnh phải có quyết sách, đề nghị rà soát cho vụ tới, phải chủ động giảm diện tích.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC