Tập trung nâng cao chất lượng, đầu ra cho cây có múi

Cập nhật, 10:23, Thứ Tư, 23/01/2019 (GMT+7)

 

Cam sành được mở rộng trên đất ruộng.
Cam sành được mở rộng trên đất ruộng.

Cây có múi (bưởi, cam) là một trong những nông sản chủ lực, có thế mạnh của tỉnh, phát triển rất nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng trong những năm gần đây. 

Để đảm bảo chất lượng và đầu ra sản phẩm loại cây trồng này, thời gian qua, ngành nông nghiệp- PTNT và chính quyền các địa phương trong tỉnh có tiến hành quy hoạch lại vùng trồng; tập trung xây dựng vùng sản xuất chuyên canh theo hướng an toàn, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để tạo sản phẩm có chất lượng; chú trọng thực hiện các dự án về xây dựng thương hiệu, hỗ trợ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để khắc phục những khó khăn hiện tại;

đồng thời xây dựng thương hiệu cho cây bưởi, cây cam sành và đa dạng hóa hình thức tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt là cam sành) thông qua đầu tư nghiên cứu chế biến để tạo nhiều loại sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trong năm 2018, sở đã triển khai “mô hình kiểu mẫu bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên 10ha tại huyện Vũng Liêm; xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn cho cây cam sành và bưởi Năm Roi tại huyện Tam Bình và TX Bình Minh (mỗi huyện 10ha); hỗ trợ trồng mới 90ha bưởi Năm Roi, 100ha bưởi da xanh; chuyển giao kỹ thuật, chứng nhận VietGAP 86ha bưởi da xanh, chứng nhận GlobalGAP 20ha bưởi Năm Roi;

hỗ trợ xây dựng, chuyển giao phần mềm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam sành, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho HTX cam sành Khánh Nhân (Tam Bình) và xây dựng logo, nhãn hiệu, hệ thống mã vạch nhận diện sản phẩm cây có múi; đồng thời tổ chức liên kết cung- cầu giữa nông dân và doanh nghiệp về tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị cây có múi.

Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 19.765ha cây có múi (tăng 140ha so với năm 2017), trong đó có 177ha có chứng nhận VietGAP; sản lượng thu hoạch đạt 207.614 tấn (tăng 8.062 tấn hay 4,04% so cùng kỳ).

Tin, ảnh: MỸ TRUNG