Phát triển kinh tế tập thể

Còn nhiều rào cản

Cập nhật, 20:34, Thứ Tư, 09/01/2019 (GMT+7)

Tuy có bước phát triển, đổi mới về cả nội dung lẫn phương thức hoạt động, song tình hình phát triển kinh tế tập thể của tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, “cần tháo gỡ kịp thời những nút thắt, không chú trọng phát triển theo số lượng mà phải nâng chất lượng”- đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu.

Cần sản xuất theo hướng liên kết, sản phẩm an toàn để chủ động đầu ra cho sản phẩm.
Cần sản xuất theo hướng liên kết, sản phẩm an toàn để chủ động đầu ra cho sản phẩm.

Nhiều tín hiệu tích cực nhưng còn yếu

Theo BCĐ phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, thời gian qua, kinh tế tập thể đã có bước phát triển, từng bước đổi mới, thích ứng ngày càng tốt hơn trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, đã có thêm nhiều hợp tác xã (HTX) được thành lập, đa dạng về đối tượng tham gia, lĩnh vực và địa bàn hoạt động, theo các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của mô hình HTX kiểu mới “tối đa hóa lợi ích của thành viên” làm mục tiêu hoạt động.

Bên cạnh đó, hầu hết vai trò tự chủ của các HTX được đề cao, thành viên tham gia tự nguyện, huy động nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới.

Từ đó xuất hiện một số HTX điển hình tiên tiến, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Song song đó, các tổ hợp tác cũng không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả sản xuất của tổ viên được nâng lên, thu nhập và đời sống được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, đa số các HTX tập trung các tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ thành viên theo hướng đa dạng, đa ngành và đi vào chiều sâu.

Có đến 30% HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 20% HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao nhờ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Ông Đoàn Văn Tài- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX- cho biết: Hiện nay HTX đã sản xuất thành công 40ha lúa hữu cơ và đã tự xay gạo, đóng gói và bán ra thị trường.

Nhờ có thương hiệu, tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm, HTX đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ ở nhiều tỉnh- thành với khoảng 10 tấn gạo/tháng.

Có thể thấy, bức tranh phát triển kinh tế tập thể đã có nhiều điểm sáng, hoạt động của HTX đã có “chất”, thực tế và hiệu quả hơn, song, vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn bởi số lượng HTX thành lập mới cũng nhiều nhưng số lượng HTX giải thể do yếu kém, không còn khả năng hoạt động cũng không phải ít. Nguyên nhân do đâu?

Đánh giá về những khó khăn, hạn chế mà HTX còn gặp phải, ông Dương Ái Đạo- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho hay: Phần lớn HTX có quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn góp của thành viên còn hạn chế, nên hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, chưa định hướng được sản xuất lâu dài mang tính ổn định, hiệu quả.

Song song đó, năng lực của HTX không đồng đều, các thành viên chưa tích cực tham gia để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các tổ hợp tác hoạt động riêng lẻ, thiếu chặt chẽ, thiếu sự gắn kết giữa các tổ viên.

Làm sao để kinh tế tập thể vừa lớn vừa mạnh?

Kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nông dân ổn định hơn.
Kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nông dân ổn định hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến kinh tế tập thể dù có “lượng” nhưng vẫn còn thiếu “chất”. Trong đó, bên cạnh nguyên nhân là thành viên HTX lẫn nông dân chưa hiểu đầy đủ về HTX kiểu mới, chưa hiểu quyền lợi khi tham gia vào HTX, năng lực điều hành của ban quản trị còn hạn chế thì vấn đề giá cả thị trường nhiều mặt hàng thiếu ổn định, chi phí đầu vào sản xuất cao cũng là nguyên nhân khiến HTX khó lớn mạnh.

Bởi khi đó, thành viên HTX sẽ dễ gặp rủi ro trong khâu sản xuất và tiêu thụ nên khó mạnh dạn góp vốn đầu tư mở rộng liên kết sản xuất.

Tập quán sản xuất tuy có thay đổi nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa muốn phát triển rộng gây ảnh hưởng đến việc thành lập mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất của các tổ hợp tác, HTX.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thành Một, không ít HTX có tư tưởng trong chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Tự thân các đơn vị kinh tế tập thể chưa thật sự chủ động thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình mới.

Vốn, nguồn nguyên liệu cũng là nguyên nhân khiến HTX hạn chế năng lực phát triển. Đại diện HTX nông nghiệp Cam sành organics Trà Ôn cho biết: HTX còn thiếu vốn xây dựng vùng nguyên liệu, công tác thủy lợi, quy hoạch vùng chuyên canh.

Bên cạnh đó, do chưa xây dựng được thương hiệu nên giá thành cam, gạo organics vẫn bị thương lái ép giá trong khi chi phí sản xuất cao, lợi nhuận lại thấp.

Do đó, HTX mong muốn, ngành chức năng cần nâng cao nhận thức cho người dân thấy được tầm quan trọng trong kinh tế tập thể, đồng thời, phải sản xuất theo quy trình an toàn hữu cơ bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vừa nâng số lượng và chất lượng sản phẩm.

Ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- nhận định: Hiện nay xu hướng cần thiết phát triển kinh tế tập thể là phải liên kết, sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, hạ giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo đó, xác định mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong năm 2019 là phải coi trọng chất lượng hơn số lượng, không tham số lượng nhiều mà phải đạt chất lượng, hiệu quả, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, giải thể ồ ạt.

Đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình điểm, hiệu quả, giải quyết kịp thời khó khăn của HTX. Đồng thời, phải khắc phục hiện tượng ỷ lại. HTX không thể ngồi chờ, không thụ động mà phải có tính nỗ lực phát triển nội lực, chủ động tìm đầu ra.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các lĩnh vực ưu tiên phát triển HTX như nông nghiệp, ký kết tiêu thụ hàng hóa...

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, sau 5 năm triển khai Luật Hợp tác xã 2012, toàn tỉnh hiện có 75 HTX nông nghiệp. Trong đó, có 73 HTX có xây dựng và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, thực hiện chế độ báo cáo tài chính hàng năm. Hiện có 23/75 HTX nông nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và làm dịch vụ tiêu thụ, bảo quản chế biến nông sản cho các thành viên HTX và nông dân địa phương, từ đó, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho HTX và nâng cao thu nhập cho thành viên.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN