Nông nghiệp tăng trưởng mạnh- vì sao?

Cập nhật, 05:45, Thứ Sáu, 09/11/2018 (GMT+7)

Chỉ với 9 tháng đầu năm 2018, GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng 3,65%. Đây là mức tăng cao kỷ lục sau gần chục năm qua. Nó cho thấy nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp những năm qua đã bắt đầu thu được “trái ngọt” đầu tiên.

Sản xuất, chế biến thủy sản tại TP Cần Thơ.
Sản xuất, chế biến thủy sản tại TP Cần Thơ.

Chất dần thay lượng

Cụ thể, giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,81% (trồng trọt tăng 3,0%, chăn nuôi tăng 2,41%); lâm nghiệp tăng 6,0%; thủy sản tăng 6,46%.

Tốc độ tăng GDP nông- lâm- thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 đạt 3,65%. Bất chấp những khó khăn rào cản kỹ thuật lẫn thương mại từ các thị trường lớn: Mỹ, EU, giá trị sản xuất thủy sản vẫn tăng 6,46%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp.

Tiếp sau là thủy sản, lâm nghiệp (tăng 6%), trồng trọt (tăng 3%) và chăn nuôi (tăng 2,41%); những sản phẩm tăng mạnh về giá trị và sản lượng là lúa gạo, rau quả, thịt gia cầm xuất khẩu, cá tra, gỗ và sản phẩm của gỗ.

Ấn tượng nhất là mặt hàng gạo- sau vài năm sụt giảm mạnh từ xuất khẩu đã lấy lại “phong độ” về kim ngạch khi “xuất ít mà thu lại nhiều”.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng đầu năm 2018 đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như: gạo 2,48 tỷ USD (lượng tăng 7,6%, giá trị tăng 23,1%); lâm sản chính 6,64 tỷ USD (tăng 14%); rau quả và trái cây 3,034 tỷ USD (tăng 17,1%) so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lĩnh vực nông- lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012- 2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả.

Mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội sáng 6/10/2018.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội sáng 6/10/2018.

Lý giải điều này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho hay: “Thời gian qua chúng ta tập trung vào sản xuất, xuất khẩu gạo chất lượng cao. Do vậy, lượng gạo xuất khẩu tăng ít nhưng giá trị lại gia tăng so với cùng kỳ những năm trước đây”.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định: Mức tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm tăng tới 3,65%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010.

Thời gian qua, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thực hiện quyết liệt, đặc biệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng thị trường và dựa trên lợi thế cạnh tranh đã bắt đầu thu được “quả ngọt”.

Ngay trong từng ngành hàng, việc thực hiện cơ cấu lại rất mạnh, chẳng hạn ở ĐBSCL- nơi xuất khẩu chính lúa gạo, đến nay lượng lúa chất lượng cao chiếm tới 80%.

Riêng chăn nuôi vốn là mặt hàng lâu nay người ta vẫn e ngại về khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa nói gì đến xuất khẩu thì đến nay đã xuất khẩu được 465 triệu USD.

Ngoài ra, các sản phẩm khác như mặt hàng rau quả, trái cây, thủy sản, cà phê tiếp tục tăng trưởng. Lý do thứ hai, việc thu hút các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty CP Nafoods Group (Nafoods), TH True Milk, Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Macsan,...

đã giúp tăng chất lượng, chế biến sâu làm gia tăng giá trị của nông sản. Ngoài ra, khi có sự tham gia của doanh nghiệp thì việc tiêu thụ, mở rộng thị trường nông sản có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường

Để đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng, phát triển ngành kế hoạch năm 2018 đã đề ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực.

Trong đó, trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lúa thu hoạch phải đạt tối thiểu 4,2 triệu tấn, bắp: 505 ngàn tấn, chè: 44,9 ngàn tấn, cà phê: 517 ngàn tấn, cao su: 115,1 ngàn tấn.

Thủy sản sản lượng phải đạt trên 736 ngàn tấn, trong đó khai thác: khoảng 295 ngàn tấn; nuôi trồng: khoảng 440 ngàn tấn…

Lúa gạo chuyển từ lượng sang chất. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Tam Bình.
Lúa gạo chuyển từ lượng sang chất. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Tam Bình.

Riêng trong tháng 10 tập trung thúc đẩy gia tăng sản lượng, giá trị, kim ngạch xuất khẩu đối với những lĩnh vực, sản phẩm đang có nhu cầu gia tăng và thị trường tốt tạo đà đạt mục tiêu của quý IV và đóng góp quan trọng để ngành đạt và vượt các mục tiêu chủ yếu đã đề ra cả năm 2018.

Tin vui đối với thủy sản Việt Nam là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) là 4,58%.

Như vậy, mức thuế cuối cùng này thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.

Không chỉ con tôm mà con cá tra cũng đón nhận thông tin vui khi DOC thông báo kết quả sơ bộ của đợt rà soát thuế CBPG lần thứ 14 (POR 14) đối với sản phẩm cá tra là 2,39 USD/kg- mức thuế này giảm khá mạnh so với con số 3,87 USD/kg ở đợt trước.

Về việc Mỹ hạ thuế CBPG đối với tôm và cá tra của Việt Nam, các chuyên gia về nông nghiệp cho rằng: Đây là cơ hội lớn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu tôm và cá tra sang thị trường này trong thời gian tới.

Một tin vui nữa đối với thủy sản chương trình thanh tra cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thực hiện, ngày 19/9/2018, Văn phòng Đăng ký Liên bang (Federal Register) của Hoa Kỳ đã đăng bản Dự thảo quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm an toàn thực phẩm cá tra (bộ Siluriformes) của Việt Nam.

Như vậy, cá tra (bộ Siluriformes) của Việt Nam nhiều khả năng sẽ được phía Mỹ công nhận chất lượng an toàn thực phẩm, sẽ góp phần “vượt” rào cản kỹ thuật của thị trường Mỹ đối với sản phẩm này.

Ông Nguyễn Quốc Toản- quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định: Xung đột thương mại Mỹ- Trung mang lại 2 yếu tố: tích cực và tiêu cực cho nông nghiệp Việt Nam.

Về mặt tích cực, ông cho rằng đây chính là cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (nông- lâm- thủy sản và đồ gỗ) sang 2 thị trường này.

Với tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cũng như sản xuất, chế sản phẩm nông nghiệp từ đầu năm đến nay, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng: Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2018 khoảng 38- 40 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tránh được những cú sốc từ các thị trường lớn khi gặp các rào cản kỹ thuật lẫn thương mại thì cùng với việc nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị sản phẩm cần phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và từng ngành hàng.

Đồng thời việc tìm kiếm, mở rộng đa dạng hóa thị trường là vô cùng quan trọng.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI