Liên kết để phát triển nguồn lực sẵn có của địa phương

Cập nhật, 06:29, Thứ Tư, 21/11/2018 (GMT+7)

Giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2018 của Tỉnh ủy tại huyện Long Hồ, đoàn giám sát phấn khởi ghi nhận những kết quả đạt được, đặc biệt là chỉ tiêu kinh tế với sự phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần giải quyết khi chưa khơi dậy được tiềm lực phát triển của địa phương.

Đoàn giám sát của Tỉnh ủy do đồng chí Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- dẫn đầu khảo sát tại Công ty TNHH Quốc Thảo.
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy do đồng chí Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- dẫn đầu khảo sát tại Công ty TNHH Quốc Thảo.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế toàn diện

10 tháng đầu năm 2018, kinh tế huyện Long Hồ tiếp tục tăng trưởng so với các năm trước. Sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá, nhất là lúa; có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Theo báo cáo của huyện, nông nghiệp- thủy sản tăng 3,37%, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng 8,46%, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 8,71%, thu nhập bình quân đầu người tăng 7,84%.

Công nghiệp huyện tiếp tục được duy trì và phát triển, theo đó giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng đạt hơn 1.510 tỷ đồng.

Nhiều ngành sản xuất tăng, tuy nhiên sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu do chưa có đơn đặt hàng, nguồn hàng cung ứng không ổn định nên giảm 7,91%. Đồng thời, thu ngân sách đạt tiến độ so với dự toán, ước cả năm thu đạt 116,78% chỉ tiêu, chi ngân sách đảm bảo theo chỉ tiêu kế hoạch, huy động trong nhân dân đạt cao.

Kinh tế tập thể của huyện tiếp tục được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo mọi điều kiện để các tổ chức kinh tế được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Phát triển doanh nghiệp có chiều hướng tích cực, doanh nghiệp và cơ sở thành lập mới tăng, doanh nghiệp giải thể giảm.

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế năm 2019, bên cạnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, nhất là nhân rộng các mô hình hiệu quả, huyện Long Hồ khuyến khích tạo điều kiện phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, phát triển công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông- thủy sản đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác.

Cần xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại địa phương phát triển ổn định và tăng trưởng tạo nhiều phấn khởi. Tuy nhiên theo phản ánh từ doanh nghiệp với đoàn giám sát, để tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng hoạt động, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thiếu nguồn nguyên liệu đáp ứng tại địa phương.

Công ty TNHH Quốc Thảo (ấp Thanh Mỹ 1, xã Thanh Đức- Long Hồ) thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2005, tạo được uy tín trong ngành nghề sản xuất chế biến hàng nông sản xuất khẩu.

Công ty hiện có 680 công nhân đang hoạt động. Bắt đầu bằng việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng nấm rơm muối, đến năm 2008, dù điều kiện khó khăn nhưng công ty vẫn mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền thiết bị, đào tạo tay nghề công nhân, để sản xuất thêm các mặt hàng nông sản đóng lon khác như nấm rơm, khóm, cocktail, bắp non, chanh dây,... Bình quân công ty xuất khẩu 1.080 container/năm, công suất sản xuất 28.080 tấn/năm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp bày tỏ trăn trở khi nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, tập trung ở các tỉnh xa mặc dù nguyên liệu sản xuất có thể phát triển ngay tại địa phương.

Đồng thời, nghề sản xuất nông sản làm thời vụ cũng là một mặt hạn chế chung, công ty phải sản xuất đa dạng các mặt hàng nhằm duy trì hoạt động sản xuất của đơn vị được thường xuyên và đời sống công nhân được ổn định hơn. Bên cạnh, một bộ phận công nhân thời vụ không đồng ý mua BHXH, gây khó khăn cho công ty.

Công ty đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu và nguồn lao động.
Công ty đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu và nguồn lao động.

Đề xuất ý kiến với đoàn, ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo nói: “Công ty mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ công ty về đầu tư máy móc thiết bị, giới thiệu nguồn lao động và có hướng hỗ trợ về nguồn nguyên liệu tập trung đủ lớn cung ứng cho công ty đảm bảo ổn định sản xuất.”

Về hướng giải quyết BHXH cho người lao động tại công ty, ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh- cho biết: “BHXH và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ. BHXH tỉnh sẽ bố trí đối thoại trực tiếp với người lao động và mong muốn doanh nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện tập hợp công nhân để đối thoại. BHXH tỉnh luôn hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển”.

Lưu ý một số vấn đề cần quan tâm trong đợt khảo sát tại huyện Long Hồ, đồng chí Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đề nghị các công ty phát huy hiệu quả đạt được, cần chú trọng chiến lược phát triển lâu dài, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô sản suất.

Đồng thời chỉ đạo địa phương chú ý chiến lược xây dựng nguồn nguyên liệu cung cấp đang thiếu hụt và tạo gắn kết tốt hơn giữa nông dân và nhà sản xuất, tiêu thụ.

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2018 của huyện Long Hồ, đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- nhận định huyện phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu thực hiện vượt kế hoạch, có nhiều mô hình kinh doanh mới, tiềm năng cần quan tâm phát huy hiệu quả. Đồng chí Trương Văn Sáu cũng yêu cầu huyện Long Hồ chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn trong khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể, củng cố xây dựng HTX, nhân rộng các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả và tạo liên kết chặt chẽ giữa các HTX với nhau. Đồng thời, HTX phải gắn bó phối hợp với doanh nghiệp, tạo sự phát triển bền vững, uy tín và đầu ra.

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA