Nông sản Vĩnh Long: rộng cửa tiêu thụ ở Đồng Nai

Cập nhật, 10:37, Thứ Năm, 05/07/2018 (GMT+7)

Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp Vĩnh Long đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ với các tiểu thương, nhà phân phối ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây- gọi tắt là chợ đầu mối Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) chỉ sau hơn 1 giờ thương thảo, trao đổi thông tin.

Nhiều nhà phân phối tại chợ này đánh giá rất cao nông sản của Vĩnh Long về chất lượng và sản lượng, trong khi nhu cầu thu mua để nhập về chợ hiện còn rất lớn.

Nhiều nông sản Vĩnh Long rất có chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn.
Nhiều nông sản Vĩnh Long rất có chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn.

Tiềm năng nông sản Vĩnh Long rất lớn

Việc ký kết tiêu thụ nông sản vừa được diễn ra ngay tại chợ đầu mối Dầu Giây do Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long (Sở Công thương) làm “cầu nối”.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long- đã “tiếp thị” với đối tác: Hàng năm, Vĩnh Long cung ứng ra thị trường khoảng 500.000 tấn trái cây, rau, củ quả các loại.

Một số loại như chôm chôm, cam sành, khoai lang… có nguồn cung dồi dào đã được chứng nhận các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đó là lý do để các HTX Vĩnh Long đến kết nối doanh nghiệp chợ Dầu Giây nhằm giới thiệu thông tin, đồng thời nắm thông tin thị hiếu để thay đổi tư duy sản xuất, tạo được mối liên kết hợp tác để nhà vườn, nhà phân phối kết nối lâu dài”- ông Nguyễn Văn Còn nói.

Và tại buổi kết nối giao thương, 14 HTX, doanh nghiệp Vĩnh Long đã mang nhiều trái cây, nông sản chế biến đạt chứng nhận an toàn và “tự tiếp thị” với nhà phân phối ở Đồng Nai.

Với hơn 7.000ha, hiện cam sành Vĩnh Long có mặt quanh năm trên thị trường. Đại diện HTX Khánh Nhân (Tam Bình) mời đối tác những miếng cam mọng nước, được tấm tắc khen ngợi.

Nhiều thương nhân tại chợ sau đó cũng chủ động tìm hiểu về giá cả, sản lượng, ngỏ ý đặt hàng. Hay với chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ)- theo ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX- thì hiện HTX có 17ha chôm chôm đạt chuẩn GlobalGAP, mỗi năm cung ứng ra thị trường 350- 400 tấn. Đến nay, HTX đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu.

Sau khi giới thiệu, sản phẩm đã được Công ty CP Thực phẩm Nam Châu Sơn Group (chuyên kinh nông sản thực phẩm xuất khẩu) “đặt hàng” thu mua 2 tấn trái/ngày. 2 bên cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận giá cả và phương thức thu mua.

Hy vọng “bắt tay” dài lâu

Chợ đầu mối Dầu Giây có quy mô lớn nhất Đồng Nai đưa vào hoạt động tháng 6/2017, được xây dựng gần ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất), giao giữa QL20 và QL1, kết nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây.

Do nằm ở vị trí trung tâm của nhiều tuyến giao thông huyết mạch nên hàng hóa vận chuyển từ Đà Lạt, Bình Thuận, miền Trung vào chợ đầu mối để phân phối cho các chợ ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh rất thuận lợi.

Ông Trương Minh Tiến- Giám đốc Công ty CP Bất động sản Thống Nhất và cũng là đơn vị đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây- cho biết:

Giai đoạn 1, chợ đã hoạt động diện tích 2ha, tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng với 216 vựa, ki-ốt, rộng từ 16- 32m2, chuyên kinh doanh các loại nông sản sạch.

Trước khi chợ đi vào hoạt động, các sở ngành và đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm kết nối hợp tác với các đơn vị sản xuất, tiêu thụ trái cây, rau, củ, quả an toàn vào chợ đầu mối Dầu Giây.

Đã có hàng chục đơn vị, HTX, trang trại trong tỉnh được ký kết bản ghi nhớ, cam kết hỗ trợ để các sản phẩm nông sản an toàn cơ hội tiêu thụ tại chợ.

Đồng thời tìm các giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ trái cây, rau, củ, quả an toàn. Tất cả hàng hóa đưa vào chợ đều phải có nguồn gốc truy xuất, xuất xứ rõ ràng, được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Nói về cơ hội của nông sản Vĩnh Long vào chợ, ông Trương Minh Tiến cho rằng: Năng lực tiêu thụ tối đa tại chợ 3.000 tấn ngày/đêm, tuy nhiên hiện đáp ứng chỉ khoảng 300- 400 tấn ngày/đêm, chủ yếu từ địa phương khác cung ứng. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho nông sản Vĩnh Long đến tìm hiểu hợp tác, ký kết cung ứng nông sản.

Ông Nguyễn Trí Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai- cũng hy vọng “bắt tay” lần đầu giữa 2 đơn vị sẽ có triển vọng tương lai.

“Thực tế, tôi tin hiện trái cây Vĩnh Long đã có mặt tại chợ đầu mối Dầu Giây rồi, nhưng đã qua trung gian. Vì thế, qua buổi kết nối là cơ hội rất tốt để 2 bên gặp nhau, đưa nguồn hàng trực tiếp về chợ, giảm đầu mối”- ông Nguyễn Trí Phương nói, đồng thời cho biết kế hoạch xa hơn để mở rộng hợp tác làm ăn lâu dài, là dự kiến năm 2019 chợ sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với khu thực phẩm tươi sống, quy mô 7ha, tăng thêm 500 điểm kinh doanh.

Khi hoàn thành, chợ sẽ được đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản, khu trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm, khu chiếu xạ... không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn là cầu nối đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH