Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì trước "cơn lốc" hàng Thái?

Cập nhật, 08:02, Thứ Năm, 19/07/2018 (GMT+7)

 

Hàng Thái Lan đang dần được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hàng Thái Lan đang dần được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý, kèm theo chiến lược marketing hiệu quả, chính là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng ngoại- trong đó có hàng Thái Lan- ngày càng trở thành mối đe dọa cho hàng Việt Nam. Làm thế nào để hàng Việt Nam tăng sức hút, nâng cao khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà?

Tại sao người Việt Nam ưa hàng Thái Lan?

Khi mà hàng Trung Quốc dính nhiều bê bối kém chất lượng, độc hại, không an toàn, những tưởng đây chính là thời cơ để hàng Việt Nam lấy lại ưu thế, chiếm lĩnh thị trường trên sân nhà. Ấy vậy mà, những cơn lốc hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan đang dần có xu hướng áp đảo hàng Việt Nam. Vì đâu hàng Việt Nam dần chịu cảnh lép vế, thậm chí còn bị lấn lướt?

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số hội chợ hàng Thái Lan, hay ở một số cửa hàng bán sản phẩm Thái Lan, có nhiều điểm khác so với phiên chợ hay cửa hàng bán hàng Việt Nam, đó chính là thái độ, cách tiếp thị của doanh nghiệp (DN), của tiểu thương: niềm nở, nhiệt tình, thân thiện.

Cứ nghĩ đây là cách bán hàng rất dễ thực hiện, nhưng không phải người bán nào cũng làm được. Trong khi đó, DN Thái cũng rất chịu khó lắng nghe ý kiến của khách hàng.

Cụ thể như, tại một hội chợ hàng Thái, nếu như năm trước khách hàng phàn nàn về giày dép đi mưa chưa đa dạng mẫu mã thì năm sau DN này đã kịp thời bổ sung thêm nhiều mẫu giày dép đi mưa để phục vụ khách hàng.

Hay một gian hàng bán trái cây sấy của Thái Lan cũng có slogan rất Việt Nam như: “Trái cây Thái càng ăn càng khoái” hoặc một gian hàng bán mỹ phẩm từ Thái Lan cũng có nhân viên tư vấn hướng dẫn sử dụng, “test” sản phẩm tại chỗ với thái độ nhiệt tình, vui vẻ.

Cầm trên tay gần 10 loại trái cây sấy, mời khách hàng dùng thử với thái độ niềm nở, anh Nguyễn Khắc Tường Tuyên- nhân viên Công ty TNHH Thái Hoàng Đăng (TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Nhiều lần tham gia hội chợ Thái Lan thấy thị trường rất tiềm năng, nhất là ở vùng ĐBSCL. Mỗi năm số lượng sản phẩm bán ra tại hội chợ mỗi tăng. Trong đó, mặt hàng được ưa thích nhất là sầu riêng sấy, mít sấy, xoài sấy…”

Không chỉ vậy, các mặt hàng Thái Lan bán tại hội chợ đều có hệ thống phân phối tại các tỉnh, giúp khách hàng dễ mua sản phẩm lần sau, chứ không phải “một đi không trở lại” như một số mặt hàng ở các phiên chợ hàng Việt Nam. Đây chính là ưu điểm lớn của hàng Thái so với hàng Việt Nam.

Chú Nguyễn Văn Tường (TX Bình Minh) cho biết: “Nghe có hội chợ Thái Lan là tôi đi liền, sản phẩm chất lượng giá cả phải chăng lại an tâm hơn. Không chỉ vậy muốn mua lần sau cũng có đại lý phân phối hẳn hoi”.

Còn tại một số cửa hàng bán sản phẩm Thái Lan, không ít người tiêu dùng (NTD) cho hay rằng: Ngoài chất lượng thì mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt chính là lý do khiến hàng Thái Lan “ghi điểm” trong lòng NTD, kèm theo đó, thái độ thân thiện của người bán dù khách hàng mua hay không mua sản phẩm cũng khiến NTD hài lòng- khác với thái độ “liếc ngang, liếc dọc” của một số tiểu thương ở cửa hàng bán hàng Việt Nam.

DN Việt Nam phải làm gì để tăng sức hút?

Có thể thấy, hiện nay hàng Thái đã và đang dần len lỏi vào thị trường Việt Nam, từng bước lấn át hàng Trung Quốc. Bởi, có thể nhận thấy rằng không hướng đến khách hàng ở phân khúc tầm trung bình mà chủ yếu hướng đến khách hàng có thu nhập khá và thu nhập cao.

Tuy nhiên, đang lo là không ít bộ phận khách hàng có thu nhập thấp chấp nhận trả cao hơn mức bình quân tiêu dùng để sở hữu hàng Thái Lan hay hàng Nhật Bản, hàng Hàn Quốc vì “an tâm hơn”- dù rất nhiều hàng hóa của Việt Nam, chất lượng không thua kém gì nhưng vẫn bị NTD chê “không bằng”.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Vài năm trở lại đây, hàng ngoại đang ồ ạt xâm nhập, gây sức ép không nhỏ đến hàng Việt Nam. Do đó, hàng Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn.

Vậy DN Việt Nam cần làm gì để nâng cao khả năng cạnh tranh, trước cơn lốc hàng ngoại?

Ông Nguyễn Văn Còn cho rằng: Trước hết, DN Việt Nam cần nâng cao ý thức về cuộc chiến hàng Việt Nam trên chính sân nhà. Đây không chỉ là vấn đề mạnh ai nấy làm, làm bao nhiêu ăn bao nhiêu, mà là cả một vấn đề sống còn của hàng Việt Nam.

DN phải có chiến lược kinh doanh, sản xuất bài bản, nắm bắt kịp thời thị hiếu NTD, đồng thời, thương hiệu phải đi đôi với chất lượng với giá cả phù hợp. Song nếu DN chỉ làm ra sản phẩm tốt, giá rẻ thì chưa chắc thành công mà phải biết cách quảng bá sản phẩm.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, DN Việt không còn cách nào khác phải liên kết, biết đổi mới- tự làm mới mình, cho ra những hàng hóa có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành và cần liên kết thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng. Phải chứng minh bằng chính chất lượng với NTD.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Ông Liêu Trung Hải- Chủ cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải (xã Lộc Hòa- Long Hồ): Tích cực tham gia các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn là con đường dễ tiếp cận NTD nhất. Qua tham gia các hội chợ không chỉ nắm bắt được thị hiếu khách hàng, hiểu khách hàng cần gì và mình còn thiếu sót gì để hoàn thiện mình hơn. Bên cạnh đó, cơ sở còn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tích cực quảng bá sản phẩm, giúp sản phẩm dễ đến tay NTD hơn.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN