Thu hút đầu tư khởi sắc

Cập nhật, 13:35, Thứ Năm, 07/06/2018 (GMT+7)

Tình hình thu hút đầu tư (ĐT) đã có sự chuyển biến tích cực và khởi sắc, nhất là sau hội nghị xúc tiến ĐT tỉnh Vĩnh Long diễn ra hồi tháng 3/2018. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu nhiều hơn về môi trường ĐT và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vĩnh Long với nhiều lợi thế về đường thủy lẫn đường bộ.
Vĩnh Long với nhiều lợi thế về đường thủy lẫn đường bộ.

Đầu tháng 3/2018, tại Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh, Công ty GreenFeed Việt Nam đã khánh thành nhà máy GreenFeed Vĩnh Long có tổng vốn ĐT 20 triệu USD.

Trước đó, trong tháng 1/2018, cũng tại KCN Bình Minh, Công ty TNHH CJ Vina Agri đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản.

Đây là dự án thứ 2 của CJ Vina Agri ĐT vào các KCN của tỉnh Vĩnh Long, sau dự án tại KCN Hòa Phú.

Nhiều dự án ĐT trực tiếp nước ngoài (FDI) đã triển khai, sau thời gian hoạt động hiệu quả cũng đã tăng vốn, mở rộng quy mô, như:

Tập đoàn De Heus (Hà Lan) với 2 dự án có tổng vốn ĐT gần 40 triệu USD; Công ty TNHH Tỷ Xuân (Đài Loan), từ vốn đăng ký ban đầu 10 triệu USD, đã tăng lên 121 triệu USD; chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam tại Vĩnh Long sau nhiều năm hoạt động hiệu quả đã tăng vốn từ 5 triệu USD lên 25 triệu USD.

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, tại hội nghị xúc tiến ĐT, tỉnh đã trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận ĐT, ký kết biên bản ghi nhớ cho 32 dự án với tổng mức vốn ĐT khoảng 23.903 tỷ đồng.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư- cho biết, sau hội nghị này các nhà ĐT đến Vĩnh Long tìm hiểu khá sôi động, trung bình mỗi tuần có 5- 6 đoàn.

Gần đây nhất là đoàn Hàn Quốc với 5- 6 doanh nghiệp đến tìm hiểu hay nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đến nghiên cứu môi trường.

Vĩnh Long đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Trong ảnh: Ngài Domokos Tamas Daniel- Lãnh sự, Tùy viên kinh tế và thương mại Hungary- làm “cầu nối” để doanh nghiệp nước này đến đầu tư tại Vĩnh Long.
Vĩnh Long đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Trong ảnh: Ngài Domokos Tamas Daniel- Lãnh sự, Tùy viên kinh tế và thương mại Hungary- làm “cầu nối” để doanh nghiệp nước này đến đầu tư tại Vĩnh Long.

“Tuy nhiên, nhà ĐT cũng cần có thời gian để nghiên cứu ĐT. Địa phương gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch.

Tuy nhiên, chúng tôi đang giải quyết vấn đề này. Ngoài tuyến- KCN hiện hữu, chúng tôi sẽ kêu gọi ĐT vào các tuyến- KCN mới, phù hợp với quy hoạch cũng như định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”- ông Trương Đặng Vĩnh Phúc cho biết.

Sở Kế hoạch- Đầu tư cũng đã trình UBND tỉnh thống nhất có văn bản phân công giao nhiệm vụ cụ thể các sở, ban, ngành và UBND các huyện- thị- thành tham mưu triển khai thực hiện,

hoàn chỉnh các thủ tục đối với 32 dự án đã được trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đăng ký ĐT, ký kết biên bản ghi nhớ để sớm đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tới đây, Vĩnh Long sẽ đón thêm nhiều dự án quy mô lớn trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng của tỉnh, như: Dự án Nhà máy điện mặt trời VNECO- Vĩnh Long của Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam; Dự án Điện năng lượng mặt trời của Công ty Hankcook Tech Co., Ltd,...

Năm 2016 và 2017 đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Vĩnh Long, khi liên tiếp đạt vị trí thứ 6/63 tỉnh- thành trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả nước. Đó chính là sự ghi nhận và đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhà ĐT về môi trường kinh doanh, ĐT của tỉnh Vĩnh Long.

Những tín hiệu tích cực trong thu hút ĐT vào Vĩnh Long là kết quả của những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các cấp sở, ngành, địa phương trong việc tăng cường công tác xúc tiến ĐT, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt.

Theo ông Đặng Quang Tấn- Phó Ban quản lý Các KCN tỉnh, các thủ tục hành chính đang được cải cách, đơn giản hóa theo hướng nhanh, gọn, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Tỉnh hỗ trợ nhà ĐT từ khi tiếp cận thông tin ban đầu, đến khi thực hiện các thủ tục ĐT, triển khai dự án; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.

Theo Ban quản lý Các KCN, 6 tháng đầu năm, đã tiếp và làm việc với 17 nhà ĐT (8 nhà ĐT nước ngoài) tìm hiểu ĐT vào các lĩnh vực như may mặc, sản xuất đồ gỗ gia dụng, đầu tư hạ tầng KCN, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản,…; gửi thông tin KCN Hòa Phú giai đoạn 2 và KCN Bình Minh đến 100 nhà ĐT tiềm năng thông qua thư điện tử.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH