Xuất khẩu cá tra "đứng vững" trên thị trường quốc tế

Cập nhật, 05:25, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Thuế chống bán phá giá cao, rào cản kỹ thuật gia tăng, sự cạnh tranh không lành mạnh… đang là những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay.

Song, với việc phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng, phấn đấu đạt được mục tiêu kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm nay.

Các doanh nghiệp đang phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến.
Các doanh nghiệp đang phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến.

Nhiều rào cản cho xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến 138 thị trường. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Canada, Trung Đông, Nhật Bản.

Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt gần 430 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ.

Đây là mức tăng trưởng khá mạnh của ngành cá tra trong bối cảnh xuất khẩu sang EU vẫn giảm mạnh cùng áp lực thuế chống bán phá giá cao.

Một trong những khó khăn của ngành cá tra hiện nay là việc bảo hộ mậu dịch đối với ngành sản xuất cá thịt trắng tại EU và cá da trơn tại Hoa Kỳ.

Cùng với đó, sản phẩm cá tra của Indonesia, Bangladesh đã tham gia vào thị trường xuất khẩu; Trung Quốc, Hong Kong nhập khẩu cá tra Việt Nam tăng mạnh nhưng không ổn định, nhiều rủi ro.

Còn theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 20%. Tuy nhiên, thị trường này đang gặp nhiều thách thức bởi thuế chống bán phá giá.

Ngày 17/3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm cá tra đông lạnh do Việt Nam xuất khẩu từ 2,39- 7,74 USD/kg.

Đây có thể là mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Trong khi giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ ở thời điểm hiện tại chỉ 4-5 USD/kg, xem như mức thuế gấp đôi giá xuất khẩu.

Ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch VINAPA Việt Nam- cho rằng, việc Mỹ không sử dụng số liệu nước thứ 3 như Bangladesh, Indonesia mà dùng số liệu có sẵn (AFA) để tính mức áp thuế cho cá tra Việt Nam là thiếu cơ sở và chưa có tiền lệ.

Một số chuyên gia còn đánh giá, mức thuế DOC áp lần này mang tính “tiêu diệt đối thủ”, đi ngược lại tiến trình tự do thương mại, quyền lợi người tiêu dùng Mỹ, ảnh hưởng đến ngành cá tra, sinh kế của nông dân Việt Nam.

Về Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ, từ ngày 2/8/2017 cũng đã kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này về chất lượng trước khi thông quan. Điều này sẽ làm doanh nghiệp tốn thêm thời gian và chi phí vận chuyển.

Chưa đủ sức ảnh hưởng

Mặc dù vậy, những rào cản đó dự báo chưa đủ sức ảnh hưởng đến cánh cửa xuất khẩu cá tra vào Mỹ vì kinh nghiệm thị trường và chọn phân khúc xuất khẩu đã là “chiến lược” phủ sóng của các nhà cung ứng.

Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (thành viên của Tập đoàn Sao Mai) trong những năm gần đây nổi lên như hình mẫu về chiến lược đa dạng hóa thị trường.

Theo ông Lê Thanh Thuấn- Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, trong hơn 10 năm qua, I.D.I đã thể hiện tầm nhìn sáng suốt khi làm chủ được vùng nguyên liệu cá thương phẩm và hình thành chuỗi vệ tinh cung cấp nguồn cá giống chất lượng cao.

Vì vậy, I.D.I có thể hoàn toàn điều tiết và tạo sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ Âu sang Á, tăng giá trị kim ngạch và sản lượng cho ngành hàng cá tra Việt Nam.

Theo các chuyên gia, sở dĩ trên thị trường hiện giá cá không biến đổi vì sản xuất khó tăng sản lượng, do ảnh hưởng thiếu hụt cá giống qua biến đổi khí hậu; và đã có thị trường nổi lên thay thế Mỹ là Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường “dễ tính” này thường xuyên biến động khó lường, tác động tiêu cực đến sản lượng cũng như xảy ra tình trạng bùng phát đào ao nuôi cá.

Hơn nữa, các tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc khá dễ và nếu để kéo dài sẽ gặp khó khi các thị trường truyền thống quay lại, đặc biệt là các chỉ số bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc...

Vì thế, đa dạng thị trường xuất khẩu, trong đó đặt nhiều hy vọng vào thị trường mới như các nước ASEAN cũng như thị trường “khó tính” Nhật Bản là giải pháp lâu dài cần hướng tới.

Ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực VINAPA Việt Nam- cho rằng các nước ASEAN chưa thể cạnh tranh với Việt Nam về thị trường cá da trơn, trong khi người Nhật khá ưa chuộng cá da trơn và dần trở thành một sản phẩm thay thế lươn- món ăn ưa chuộng nhưng đang khan hiếm ở Nhật.

Tuy nhiên để thâm nhập và đứng vững thị trường này phải có chiến lược và tầm nhìn sâu rộng.

Năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2016- 2020) của ngành thủy sản, VINAPA dự kiến phát triển diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm từ 5.000- 5.500ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt từ 1,82- 2 tỷ USD.

VINAPA Việt Nam cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể việc mở rộng thị trường sang nhiều quốc gia, để tránh phụ thuộc.

Trong đó, để thực thi Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ, phía Việt Nam đã ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes (bộ cá da trơn, chủ yếu là cá tra, ba sa…) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ” kiểm soát chặt chẽ từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, cho đến khâu chế biến, xuất khẩu.

VINAPA cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương có những chương trình làm việc với DOC của Mỹ để tháo gỡ những khó khăn cho ngành xuất khẩu cá tra.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ, tỉnh Vĩnh Long đang tập trung vào phát triển các khu vực nuôi thủy sản đạt các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các tiêu chuẩn VietGAP. Hiện toàn tỉnh có trên 250ha nuôi cá tra được chứng nhận; trong đó 75ha được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP/ASC.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG