Bình Tân

Phát triển 3 cây, 3 con chủ lực

Cập nhật, 07:32, Thứ Hai, 14/05/2018 (GMT+7)

Dựa vào định hướng 6 sản phẩm theo Đề án của Tỉnh ủy Vĩnh Long, huyện Bình Tân cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.

Theo đó, địa phương tập trung ưu phát triển 6 sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng thế mạnh của huyện là 3 cây (khoai lang, hành lá, cây có múi) và 3 con (heo, bò, cá).

Khoai lang ổn định diện tích 10.500- 11.000ha, tập trung ở các xã: Thành Lợi, Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược, Tân An Thạnh, một phần xã Mỹ Thuận và xã Nguyễn Văn Thảnh; năng suất bình quân đạt 28- 30 tấn/ha. Hành lá ổn định diện tích cả năm 2.200- 2.500ha, tập trung ở xã Thành Lợi, Tân Quới, Tân Bình, Tân Lược và Tân An Thạnh.

Cây có múi (cam, quýt, bưởi) phát triển các xã ven sông Hậu: Thành Lợi, Thành Đông, Tân Quới, Tân Bình, Tân Lược và Tân An Thạnh khoảng 1.700ha. Đồng thời còn khuyến khích nông dân 2 xã Nguyễn Văn Thảnh, Mỹ Thuận trồng khoảng 400ha loại cây này.

Tổng đàn bò dự kiến ở mức 3.000- 4.000 con, sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng dần các hình thức nuôi gia trại, tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt như dây khoai lang, thân cây bắp, rơm rạ… để làm thức ăn.

Đàn heo ổn định quy mô từ 35.000- 40.000 con, nuôi gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt duy trì và phát triển đàn nái chất lượng cao nhằm tăng chất lượng thịt và giảm giá thành sản xuất. Về cá, chủ yếu phát triển cá tra và điêu hồng- tận dụng lợi thế mặt nước sông Hậu và mương vườn, từng bước phát triển nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 42.000- 50.000 tấn/năm.

Trong đó tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, phấn đấu có 50% sản lượng cá tra tiêu thụ qua hợp đồng.

Về sản phẩm tiềm năng, địa phương xác định có khả năng cung ứng hàng hóa quy mô lớn và có khả năng mở rộng về lâu dài như: mè, đậu bắp xanh, rau thực phẩm, vịt, gà thả vườn, thủy đặc sản (ếch, lươn, cá thát lát…).

HỒNG VÂN