Vĩnh Long phát triển cây ăn trái, duy trì sản xuất lúa gạo

Cập nhật, 05:06, Thứ Hai, 02/04/2018 (GMT+7)

Bộ Xây dựng vừa công bố Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, định hướng phát triển cho từng địa phương dựa trên không gian 3 tiểu vùng: ngập sâu, giữa đồng bằng và ven biển.

Trong đó, Vĩnh Long nằm ở tiểu vùng giữa đồng bằng, được định hướng 2 khu vực cảnh quan sản xuất chính để phát triển cây ăn trái tập trung và duy trì sản xuất nông nghiệp lúa gạo.

Vĩnh Long được định hướng phát triển cây ăn trái tập trung tại các vùng cù lao, ven sông. Trong ảnh: Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cho giá trị kinh tế cao.
Vĩnh Long được định hướng phát triển cây ăn trái tập trung tại các vùng cù lao, ven sông. Trong ảnh: Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cho giá trị kinh tế cao.

ĐBSCL được phân thành 3 tiểu vùng với các trục kết nối chính có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển trong vùng, gồm: các trục hướng Đông Bắc- Tây Nam, các trục hướng Tây Bắc- Đông Nam và các trục giao thông thủy.

Tiểu vùng ngập sâu chiếm khoảng 15% diện tích ĐBSCL, gồm: một phần các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang thuộc vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên.

Tiểu vùng giữa đồng bằng khoảng 38% diện tích, gồm: TP Cần Thơ, Vĩnh Long và một phần An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An. Tiểu vùng ven biển khoảng 47% diện tích, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và một phần các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.

Tiểu vùng ngập sâu được tính toán để trữ nước ngọt, hình thành các khu vực ngập nước theo mùa nhằm chủ động về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy mặn, giảm ngập lụt tại vùng ngập nông và các đô thị tại tiểu vùng giữa đồng bằng.

Tạo lập một số khu vực giữ nước thường xuyên cùng với chuyển đổi sản xuất sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trồng tràm...

Hạn chế mở rộng, phát triển đô thị với quy mô lớn, từng bước chuyển đổi hình thái đô thị thích ứng với điều kiện ngập mới.

Tiểu vùng giữa đồng bằng là vùng ngập nông, có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên sâu, do đó cần tiết kiệm đất đai trong xây dựng đô thị; phát triển đô thị theo mô hình đô thị nén, hạn chế mở rộng dàn trải, tránh hình thành các vùng đô thị hóa, dải đô thị hóa liên tục, giành quỹ đất để phát triển nông nghiệp.

Tổ chức không gian đô thị trong vùng cần thiết lập các không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước và thấm nước); cân bằng đào đắp trong xây dựng phát triển đô thị nhằm hạn chế ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, khu vực ven biển (tiểu vùng ven biển) chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản theo hướng bền vững, gắn với trồng rừng ngập mặn ven biển, khôi phục các hệ sinh thái rừng ở bán đảo Cà Mau, thúc đẩy quá trình bồi lắng và lấn biển tự nhiên.

Phát triển đô thị, dân cư tập trung theo hình thái lãnh thổ (giồng cát, bãi bồi) tại vùng ven biển Đông, bán đảo Cà Mau và khu vực ven biển thuộc Tứ giác Long Xuyên.

Còn tại khu vực hải đảo, xây dựng và phát triển đô thị bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng và quốc gia.

Từng bước xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hướng tới hình thành các trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Lúa tươi vụ Đông Xuân 2018 chờ lái đến cân. (Ảnh chụp tại xã Thạnh Quới- Long Hồ).
Lúa tươi vụ Đông Xuân 2018 chờ lái đến cân. (Ảnh chụp tại xã Thạnh Quới- Long Hồ).

Tỉnh Vĩnh Long thuộc tiểu vùng giữa đồng bằng, vai trò là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp chuyên canh về lúa và các loại cây ăn trái; trung tâm công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ; trung tâm thương mại dịch vụ, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cấp vùng; vùng du lịch sinh thái miệt vườn.

Vĩnh Long được định hướng 2 khu vực cảnh quan sản xuất chính: Phần phía đông rộng lớn phát triển cây ăn trái tập trung, miệt vườn tại các vùng cù lao ven sông; khu vực phía Tây duy trì sản xuất nông nghiệp lúa gạo.

TP Vĩnh Long là đô thị loại II, trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm đào tạo thứ 2 của vùng sau TP Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng- Phan Thị Mỹ Linh cho biết: quy hoạch nghiên cứu trên quan điểm tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, xác định một tầm nhìn mới, khẳng định vị thế của vùng ĐBSCL trong bối cảnh quốc gia và quốc tế.

Với mục tiêu “phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước…, đồ án được đánh giá có chất lượng, nhiều đột phá trong chiến lược, mang lại giải pháp hiệu quả cho vùng ĐBSCL.

“Trong thời gian tới, song song việc triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, chúng tôi đề nghị UBND các tỉnh tập trung rà soát, nghiên cứu, đánh giá, lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, khu chức năng đặc thù; kiểm soát, hình thành và phát triển các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch để đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt”- Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh.

Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm phù hợp với định hướng tại Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng ĐBSCL.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long cơ bản là tỉnh có dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp phát triển toàn diện. Đến năm 2050, Vĩnh Long là trung tâm dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp công nghệ cao phát triển cân bằng và bền vững.

Theo đó, xác định mô hình phát triển: theo mô hình trung tâm toàn vùng và trung tâm các tiểu vùng, các trục hành lang kinh tế đô thị hướng tâm và vành đai liên kết vùng ĐBSCL…

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN