Mang Thít

Sản xuất gạch gốm còn nhiều khó khăn

Cập nhật, 05:24, Thứ Tư, 22/11/2017 (GMT+7)

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành công thương trên địa bàn năm 2017, ngành sản xuất gạch gốm đã và đang có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn còn trước mắt…

Nhiều nguyên nhân khiến cho ngành sản xuất gạch gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.
Nhiều nguyên nhân khiến cho ngành sản xuất gạch gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

Sản xuất gạch khó khăn

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 cơ sở với 8 lò Hoffman, 14 cơ sở với 16 lò nung liên hoàn đang hoạt động. Trong khi đó, còn 185 cơ sở sản xuất gạch truyền thống với 216 lò và 9 cơ sở gốm đang hoạt động.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, giá trị sản xuất có tăng so với cùng kỳ, do những tháng đầu năm hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay, giá nguyên liệu tăng cao, thiếu lao động, sản phẩm tiêu thụ chậm nên hiện các cơ sở sản xuất gạch gốm tiếp tục rơi vào khó khăn.

Ông Lê Văn Ri- Chủ cơ sở sản xuất gạch 6 Ri 2 (xã An Phước)- cho biết, cơ sở đã chuyển sang sản xuất gạch bằng lò nung liên hoàn.

Với số vốn bỏ ra hơn 10 tỷ đồng, các năm đầu cũng có hiệu quả. Tuy nhiên, năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh không được ổn định và có chiều hướng đi xuống, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với các loại gạch không nung.

“Giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao khiến cho giá thành sản xuất tăng cao, song thị trường đầu ra bấp bênh bắt buộc phải hạ giá sản phẩm.

Nếu như so với cùng kỳ, giá mỗi viên gạch hơn 800đ thì hiện giá chỉ còn 690đ. Do đó, có thể bán huề vốn hoặc chỉ lời chút ít”- ông Ri cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Văn Mười- Chủ cơ sở sản xuất gạch Thiên Phước (xã An Phước)- chia sẻ, đến hết năm nay, cơ sở cũng sẽ đóng cửa và ngừng hoạt động chứ cũng không thể cầm cự được lâu.

Ông cho biết, giá gạch nung truyền thống cao so với các loại công nghệ khác nên không thể cạnh tranh. Đặc biệt, hiện nay giá nguyên nhiên liệu cao thì gạch không nung xem như chịu… chết.

Được biết, cơ sở sản xuất gạch Thiên Phước từng sản xuất gạch gốm với hàng trăm công nhân nhưng hiện nay cũng đã ngừng do thua lỗ, thị trường thu hẹp.

Ông Mười chia sẻ, hiện nay ngành sản xuất gạch gốm rất khó khăn. Đặc biệt là ngành gạch nung truyền thống nếu không chuyển đổi, thay thế bằng các công nghệ mới, hiện đại hơn…

Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp- Chủ tịch Hiệp hội Gạch- Gốm mỹ nghệ Vĩnh Long- cho biết: Hiện nay, tình hình sản xuất gạch đang bị chậm lại, còn sản xuất gốm thì đang vào mùa. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là giá nguyên nhiên liệu và công nhân thiếu.

“Các thành viên của hiệp hội sản xuất gạch nay đã chuyển sang lò nung liên hoàn nên tình hình sản xuất cũng dần ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về mặt khách quan nên cũng rất cần sự quan tâm của các cấp…”- bà Đoàn Thị Ngọc Diệp cho biết.

Tập trung chuyển đổi mô hình

Cần có những chính sách- nhất là hỗ trợ kinh phí và vay vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ- để ngành sản xuất gạch gốm đi vào ổn định và bền vững.
Cần có những chính sách- nhất là hỗ trợ kinh phí và vay vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ- để ngành sản xuất gạch gốm đi vào ổn định và bền vững.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành công thương, đến nay đã hỗ trợ kinh phí tháo dỡ lò nung gạch thủ công truyền thống cho 224 cơ sở với 400 lò, kinh phí là 554 triệu đồng.

Ông Trương Chí Thiện- Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện- cho biết: Đề án cơ cấu lại ngành công thương đã được triển khai, họp dân phổ biến, tuyên truyền cho đối tượng là các cơ sở, trong đó có ngành sản xuất gạch gốm.

Trong thời gian tới, vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền để các cơ sở trong ngành này chuyển đổi theo các công nghệ mới như Hoffman, lò nung liên hoàn… nhằm tiến tới sản xuất ổn định và bền vững.

Trong khi đó, một chủ cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn xã Mỹ An cho biết, hiện nay, kinh phí để đầu tư vào các công nghệ Hoffman, lò nung liên hoàn cao nên không phải cơ sở nào cũng có khả năng đầu tư.

Do đó, nếu cơ cấu lại ngành sản xuất gạch truyền thống sang các công nghệ đó thì rất cần sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt có thể hỗ trợ vốn vay ưu đãi.

“Cả một làng nghề sản xuất gạch ở đây rất ít cơ sở có thể tự thân chuyển sang công nghệ mới do cần vốn lớn, nên trước mắt vẫn sản xuất cầm chừng theo kiểu truyền thống và mong sẽ có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi. Qua đó giúp ngành sản xuất gạch gốm đi vào ổn định và lâu dài…”- chủ cơ sở này chia sẻ.

Còn theo ông Trương Chí Thiện, trong năm 2018, huyện cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch lại ngành sản xuất gạch ngói, gốm theo đề án của UBND tỉnh. Qua đó tạo sự chuyển biến mới, góp phần cho tăng trưởng của cả ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn…

Năm 2017, giá trị sản xuất gạch đạt gần 421 tỷ đồng (tăng 4,9% so năm 2016); giá trị sản xuất gốm trên 56 tỷ đồng (tăng 2,87% so với năm 2016). Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, trong những tháng cuối năm, tình hình sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng, thiếu lao động và thị trường tiêu thụ yếu…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN