Phát triển đô thị ĐBSCL phù hợp tình hình mới

Cập nhật, 05:42, Thứ Tư, 04/10/2017 (GMT+7)

Hiện nay, các thách thức cho đô thị (ĐT) hóa tại ĐBSCL là nền đất thấp, địa chất yếu, gia tăng lún đất, sạt lở bờ sông bờ biển, thiếu hụt nguồn cung cấp nước sạch trong điều kiện xâm nhập mặn gia tăng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Trong bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phát triển ĐT phù hợp tình hình mới.

Cần quy hoạch phát triển đô thị ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Cần quy hoạch phát triển đô thị ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Thông tin về tình hình lũ năm 2017 ở ĐBSCL, PGS.TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) đặc biệt lưu tâm đối với các vùng ĐT như TP Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long,… cần theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn để chủ động ứng phó kịp thời, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do lũ, ngập lụt có thể gây ra. 

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, thiệt hại về kinh tế do lũ lụt gây ra cho ĐT lớn hơn, trong khi người ĐT thích nghi, đối phó với sông nước kém hơn so với người dân ở nông thôn.

Tại TP Vĩnh Long, những năm qua, cùng với các dự án kè sông- vừa chống lũ vừa chống sạt lở… nhiều tuyến đường nội ô được nâng cấp cao hơn, hệ thống thoát nước cũng được đầu tư đồng bộ cùng với đường.

Song, nhiều tuyến đường vẫn ngập nặng sau mưa lớn. Theo Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, những năm thủy triều cao từ báo động 3 trở lên, nhiều tuyến đường nội ô thành phố bị ngập nặng (có tuyến ngập khoảng 3 tấc).

Ông Đào Thanh Liêm- Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty- cho biết: Trước đây, đường bị ngập chủ yếu ở Phường 1, nhưng gần đây, phát sinh thêm một số đoạn của đường Phạm Thái Bường (Phường 4) vốn cao ráo.

Trong khi giải pháp chống ngập chủ yếu vẫn là nhờ vào van một chiều, ông Đào Thanh Liêm băn khoăn: Các giải pháp chống lũ hiện nay chỉ mang tính cấp thời.

Về lâu dài, cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… phù hợp hơn. Theo đó, cần kết hợp các giải pháp công trình, phi công trình… Tương tự TP Vĩnh Long, một số ĐT trong tỉnh cũng ngập nặng khi triều cường, mưa lớn.

Theo ThS. KTS Nguyễn Việt Thắng- Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam (chủ nhiệm đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050),

với tác động ngày càng tăng của BĐKH, nước biển dâng, kết hợp tác động biến đổi từ thượng nguồn sông Mekong và hậu quả các tác động con người lên môi trường tự nhiên, các biến thiên của nước trở nên cực đoan hơn, đòi hỏi các ĐT cần phải có chiến lược thích ứng.

Nhấn mạnh sự hình thành và phát triển của các ĐT ĐBSCL gắn liền với yếu tố nước, tạo nên cấu trúc và hình thái ĐT vùng sông nước, ThS. KTS Nguyễn Việt Thắng lưu ý: nước và sinh thái chính là hạ tầng “mềm” thiết yếu của ĐT mà quá trình ĐT hóa vội vã và tập trung cho những lợi ích trước mắt thường hay bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Các đô thị ĐBSCL gắn liền với yếu tố nước, tạo nên cấu trúc và hình thái đô thị vùng sông nước.
Các đô thị ĐBSCL gắn liền với yếu tố nước, tạo nên cấu trúc và hình thái đô thị vùng sông nước.

Theo đó, ThS. KTS Nguyễn Việt Thắng đề xuất cần hình thành 3 hình thái phát triển ĐT và nông thôn dựa trên 3 phân vùng chịu tác động ngập, xâm nhập mặn theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động thượng nguồn sông Mekong.

Cụ thể, vùng ngập sâu (Đồng Tháp Mười và một phần tứ giác Long Xuyên) chiếm 15% diện tích tự nhiên vùng ĐBSCL, trở thành vùng quản lý ngập và trữ nước ngọt, nhằm chủ động nguồn nước cho vùng, hạn chế mở rộng phát triển ĐT; dự báo đến năm 2030 có 8% dân số ĐT toàn vùng phân bố tại vùng ngập sâu.

Bên cạnh, vùng giữa đồng bằng phù sa chiếm 30% diện tích ĐBSCL, là vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng (lúa, trái cây, hoa màu…),

đây là vùng thuận lợi và khuyến khích phát triển ĐT nhưng là hình thái phát triển ĐT nén, hạn chế phát triển dàn trải, bảo vệ đất nông nghiệp màu mỡ; dự báo đến năm 2030 có 56% dân số ĐT toàn vùng phân bố giữa đồng bằng.

Đồng thời, vùng ven biển (ven biển Đông, biển Tây và bán đảo Cà Mau) chiếm 47% diện tích ĐBSCL, là vùng có sự chuyển đổi, mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng sinh thái trong điều kiện xâm nhập mặn gia tăng, gắn với trồng rừng ngập mặn;

đây là vùng phát triển kinh tế biển năng động nhưng không mở rộng ĐT quá nhiều, giảm rủi ro do thiên tai do BĐKH, nước biển dâng. Dự báo đến năm 2030 có 36% dân số ĐT toàn vùng phân bố tại vùng ven biển…

Cũng định hướng phân bố các ĐT ĐBSCL theo 3 vùng hình thái thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó, Bộ Xây dựng khuyến khích phát triển ĐT theo hướng ĐT nén,

hạn chế mở rộng dàn trải, không hình thành vùng ĐT hóa, các dải ĐT hóa liên tục tại vùng giữa đồng bằng và hạn chế quy mô phát triển của các ĐT tại vùng ngập sâu và vùng ven biển.

Bên cạnh, quy mô phát triển ĐT vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên, sử dụng tài nguyên và đặc thù kinh tế xã hội của vùng, dễ dàng có các giải pháp thích ứng với các tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động của thượng nguồn sông Mekong.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN