Nữ doanh nhân kể chuyện làm ăn

Cập nhật, 14:26, Thứ Sáu, 13/10/2017 (GMT+7)

Cùng xuất phát từ việc nối nghiệp truyền thống gia đình nhà chồng, nhưng 2 trong nhiều nữ doanh nhân mà chúng tôi gặp gỡ, thực sự đã “bén duyên” và ăn nên làm ra, dần khẳng định vị thế trên thương trường bằng chính sự chịu thương chịu khó, sáng tạo của mình.

Chị Lê Trúc My- Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải: Tự tin, sáng tạo, kiên trì: bí quyết thành công

Thoạt nhìn chị Trúc My, ít ai ngờ chị là phó giám đốc của một công ty bánh kẹo có tiếng trên thương trường. Với chiếc quần jeans, áo thun, mái tóc buộc hờ, nhìn chị vừa giản dị vừa năng động. Ngồi trong văn phòng sang trọng, nhắc lại chuyện cách nay hơn 10 năm chị vẫn thấy bồi hồi...

“Tôi vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, 24 tuổi lập gia đình và cũng từ đó cuộc đời sang trang”- chị kể. Nhà bên chồng làm kẹo mứt truyền thống nên khi theo chồng thì “bằng cấp bỏ tủ”. Là con dâu thứ 2 trong gia đình, các em chồng còn nhỏ nên gần như mọi việc kinh doanh chị phải gánh vác. Chỉ sau một ngày đi làm, chị My đã được nhà chồng tin tưởng giao sổ sách.

Chị Lê Trúc My.
Chị Lê Trúc My.

Chị My cho biết lò bánh kẹo trước đây chỉ là cơ sở nhỏ, phải vừa làm vừa đi bán hàng. Trước khi lấy chồng, nhà chị cũng đã từng làm lò gạch, đến khi đi học cũng làm thêm nhiều việc như thu ngân, tiếp thị... nhờ vậy mà có thêm kinh nghiệm quản lý, mua bán. Dù vậy, lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn...

“Nhỏ tuổi lại mới vào làm nên muốn quản lý công nhân rất khó, không phải nói khơi khơi là được mà phải hiểu việc họ làm, hiểu từng công đoạn mới có thể nói công nhân nghe. Phải biết gắn bó thân thiện đồng cảm, không phân biệt công nhân với chủ.

Có lòng với công nhân chính là lợi thế lớn, khi hàng gấp thì công nhân vẫn nhiệt tình làm. Nhờ vậy mà nhiều nơi đến “dụ” đi làm chỗ khác nhưng công nhân nhất định không đi, ở lại làm, có người gắn bó 20- 30 năm nghề. Giờ nhà họ có đám tiệc, giỗ chạp gì cũng nhờ tôi hỗ trợ”- chị My tâm sự.

Từ một sản phẩm “thèo lèo cứt chuột” đóng gói bao bì lớn, giờ công ty sản xuất và “tạo dáng” cho ra thị trường 7 sản phẩm với mẫu mã, nguyên liệu, hương vị khác nhau. Chị My bảo mình đi đúng hướng trong sự cạnh tranh của thị trường.

Giờ đây, bánh kẹo Sơn Hải đi khắp từ Nam chí Bắc, thậm chí sang tận nước ngoài bằng đường “xách tay” của khách Việt kiều.

Không tự bằng lòng, chị My cho biết đang tự mày mò học tiếng Anh trên mạng để giao tiếp, mở rộng quan hệ, tìm thị trường xuất khẩu. Nghe hỏi về áp lực khi một mình phải “bao sân” vừa làm thủ quỹ, tiếp thị, quản lý, chị cười nói: “Làm riết giờ quen rồi. Làm ăn nào cũng khó khăn nhưng quan trọng là có lòng kiên trì, quyết tâm rồi sẽ vượt qua được”.

Chị chia sẻ: cũng đã phải trải qua nhiều sai lầm và đã học được nhiều từ những sai lầm đó để áp dụng vào kinh doanh tốt hơn.

Nói về tiêu chuẩn ISO 22000:2005, chị My cho biết là đã mạnh dạn đề xuất đầu tư cải tiến nhiều máy móc công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt hơn cho người tiêu dùng. Chị cũng tự nhận thành quả hôm nay là nhờ đóng góp chung của đội ngũ công nhân gắn bó với công ty.

Điều mà chị trăn trở nhất hiện nay là phải làm sao cải tiến thay đổi sáng tạo thêm sản phẩm mới thu hút được người tiêu dùng và mở rộng thị trường.

Cô Lưu Kim Phụng- Chủ cơ sở sản xuất bún bánh phở Ba Khánh: Kiên trì, khó khăn vẫn đeo nghề

Cũng nối nghiệp gia đình chồng, 23 năm qua, cô Lưu Kim Phụng đã cống hiến sức lực và tâm huyết của mình để cơ sở ngày một đi lên và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cô chia sẻ: là thế hệ thứ 4 nối nghiệp, lúc đầu cũng chỉ sản xuất theo kiểu truyền thống, kinh nghiệm còn non kém, sản phẩm làm ra chưa chất lượng, không có thị trường, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, vốn liếng không có, lại bị bạn hàng giật nợ... khó chồng khó.

Cô Lưu Kim Phụng.Ảnh: TL
Cô Lưu Kim Phụng.Ảnh: TL

Lúc đó chất lượng gạo không tốt, sản xuất thủ công, rất cực. Làm cả ngày đêm chỉ được 500- 600kg bún, sản phẩm làm ra lại không ngon. Rồi thêm đốt bằng trấu, củi, không đảm bảo vệ sinh môi trường... Đủ thứ khó khăn dồn lại.

Nhưng “dù có khó cách mấy tôi vẫn không nản, không buông bởi xác định đây là nghề phải theo đến cùng.

Ông bà tôi quan niệm, nghề bún không giàu nhưng không lo đói, đốt lửa lò lên là no một ngày rồi, lại là nghề truyền thống của cha ông nên càng khó phải càng cố gắng làm, cố gắng khắc phục. Lúc vào nghề, vợ chồng cùng san sẻ, đi tìm thị trường, tìm khách hàng, đồng tâm hiệp lực theo nghề”- cô Phụng tâm sự.

Cô Phụng quan niệm: Đổi mới công nghệ sản xuất được xem là bước chuyển mình quan trọng cho bước tiến của cơ sở. Nếu chỉ sản xuất theo lối mòn thì DN chỉ giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi.

Nhờ không ngừng cải tiến máy móc, mẫu mã và nhất là có nhờ sự bền bỉ, quyết tâm, hiện nay sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh thành, các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Aeon, Satra, Vinmart... với các sản phẩm tươi sạch như bún, bánh phở, bánh canh, bún bò huế, bánh hỏi, bánh lọt. Hơn hết, mong muốn lớn nhất của cô lúc này là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của mình để đáp lại sự tin yêu của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THẢO LY- HOÀNG MINH