Ghi nhận

Làm gì để ĐBSCL thích ứng được với những thay đổi?

Cập nhật, 15:53, Thứ Ba, 26/09/2017 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ nhận định: “Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và tài nguyên sẽ tác động lớn đến tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống người dân trong vùng”.

Phiên họp chuyên đề về quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ngày 26/9/2017.
Phiên họp chuyên đề về quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ngày 26/9/2017.

Làm gì để ĐBSCL thích ứng được với những thay đổi trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) là những vấn đề bàn thảo tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH đang diễn ra tại TP Cần Thơ.

ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức

ĐBSCL được hình thành hàng ngàn năm bởi nguồn bùn cát dồi dào từ thượng nguồn cùng với điều kiện mực nước biển khá ổn định.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội ở phía thượng nguồn, phát triển nội tại của ĐBSCL và do BĐKH, nước biển dâng.

Theo số liệu cung cấp từ hội nghị, ĐBSCL là 1 trong 4 đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng.

ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mêkông và các hoạt động nhân sinh khác.

Đồng thời, từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp toàn thể

Ngày hội nghị thứ hai (27/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên họp toàn thể để lắng nghe, xem xét kết luận về những giải pháp tổng thể có tầm nhìn chiến lược cũng như giải pháp cụ thể về mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.

Cụ thể, về xâm nhập mặn, ranh giới mặn 1‰ lớn nhất trên sông Cổ Chiên mặn lấn sâu hơn thời kỳ nền 9,5km và trên sông Hậu mặn lấn sâu hơn thời kỳ nền 8,8km.

Tháng 3/2016, ranh mặn 4 g/l đã đạt đỉnh cao nhất, vượt năm trung bình 20- 25km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, mặn vào sâu 135km. Trên sông Tiền, mặn vào sâu 79km. Trên sông Hàm Luông, mặn vào sâu 78km.

Trong khi đó, tốc độ sụp lún địa chất do khai thác nước ngầm ở Cà Mau là 1,9- 2,8 cm/năm, tốc độ lún lớn nhất có thể lên đến 3,3 cm/năm.

Khu vực Hậu Giang có tốc độ sụt lún do khai thác nước ngầm khoảng 3,01- 3,3cm/năm và có thể xảy ra ở hầu hết diện tích của tỉnh.

Đa số khu vực lún 5- 10cm, đặc biệt khu vực ven biển Cà Mau và Bạc Liêu có giá trị lún trên 10cm trong giai đoạn 2005- 2015.

Chuyển dịch đứng tại 5 mốc địa động lực ổn định và tin cậy khu vực ĐBSCL cho thấy, tốc độ hạ trung bình là 2,7mm/năm.

Sản xuất lúa ở ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước và lượng phù sa từ các dòng sông Cửu Long
Sản xuất lúa ở ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước và lượng phù sa từ các dòng sông Cửu Long

Số liệu ghi nhận từ hội nghị cho thấy, từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở diễn ra nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế- xã hội, với xu thế “xói nhiều, xói nhanh”.

Theo đó, ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng gần 800km (bờ sông và bờ biển), chủ yếu diễn ra dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm/266km. Mức độ nghiêm trọng có xu hướng gia tăng…

“Hiến kế” và hành động cho phát triển bền vững ĐBSCL  

ĐBSCL đóng góp 70% lượng thủy sản của cả nước và trong đó, nguồn nguyên liệu thủy sản được nuôi trồng chủ yếu nhờ nước sông Mêkông
ĐBSCL đóng góp 70% lượng thủy sản của cả nước và trong đó, nguồn nguyên liệu thủy sản được nuôi trồng chủ yếu nhờ nước sông Mêkông

Trong ngày làm việc đầu tiên, đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề, hàng trăm đại biểu đã thảo luận các nội dung quan trọng về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL; 

nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở; quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL. Sau đó, sẽ thảo luận chung về huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL.

Sản lượng nông sản ĐBSCL lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Theo thông tin từ hội nghị, ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cả nước. ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam. Tính đến tháng 4/2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước và và 65% lượng thủy sản

Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: “Định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm, chỉ đạo”.

Phó thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần thảo luận và trao đổi với sự đổi mới trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại.

Lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế là sức mạnh trong các giải pháp ứng phó với BĐKH. Các giải pháp cần có tính đột phá, khả thi cao.

“Những kết quả của hội nghị sẽ là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”- Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

Trình bày báo cáo đề dẫn đánh giá tổng quan về các thách thức với ĐBSCL, GS.TS Trần Thục- Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, cho rằng, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha, ĐBSCL còn thường xuyên bị lũ lụt, diện tích bị ngập lũ lên tới khoảng 1/2 diện tích toàn đồng bằng, mức ngập từ 1÷4m và thời gian ngập kéo dài từ 1-6 tháng.

GS.TS Trần Thục cho rằng, với ĐBSCL hiện nay, tài nguyên nước có vai trò quyết định cho phát triển bền vững, còn thiên tai với ĐBSCL sẽ nguy hiểm hơn là nước biển dâng. Đó là thứ mà chúng ta chưa có chuẩn bị cho đối phó với những cơn bão lớn đổ bộ vào ĐBSCL.

Ngoài ra, các dự án trên dòng chính ở hạ lưu sông Mêkông sẽ gây biến động nhanh và đáng kể mực nước phía hạ lưu, gây ra sự suy giảm rất lớn về bùn cát và gây gián đoạn các mùa sinh thái- thủy văn.

Tương lai lượng phù sa sụt giảm khoảng 75%

Theo GS.TS Trần Thục, kết quả phân tích cho thấy, bậc thang các đập thủy điện của Trung Quốc và trên dòng chính ở hạ lưu gây tác động nghiêm trọng đến chế độ phù sa bùn cát phía hạ du, kể cả ĐBSCL sụt giảm tới 42% tổng lượng hàng năm tại Tân Châu- Châu Đốc.

Trong vài năm gần đây, do sụt giảm phù sa và do khai thác cát đã làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông trên dòng chính sông Mê kông và bờ biển vùng bán đảo Cà Mau.

Trong tương lai, tác động của việc sụt giảm phù sa sẽ nghiêm trọng hơn, khi tất cả các công trình thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mêkông đi vào vận hành. Ước tính tổng lượng phù sa sụt giảm là vào khoảng 75%.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - TUYẾT HIỀN