Nhiều dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long chậm tiến độ do giá cát tăng

Cập nhật, 10:06, Thứ Sáu, 21/07/2017 (GMT+7)

Giá cát tăng trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ đến quá trình triển khai, thực hiện nhiều dự án của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Hậu Giang nói riêng.

Dù đã hạ nhiệt nhưng giá cát vẫn cao gấp đôi so với thời điểm tháng 3. Ảnh: THANH THÚY
Dù đã hạ nhiệt nhưng giá cát vẫn cao gấp đôi so với thời điểm tháng 3. Ảnh: THANH THÚY

Cát đang bị làm giá ?

 

Sau cơn sốt giá trong thời gian qua, hiện nay giá cát đã hạ nhiệt, nhưng qua ghi nhận của phóng viên, tại một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, mặc dù giá cát đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Bà Phạm Thị Bé Diễm, chủ doanh nghiệp tư nhân Bảy Bạc, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Từ đầu tháng 4 trở lại đây, giá cát tăng liên tục, hàng cũng khan hiếm, leo thang từng ngày, thậm chí từng giờ. Lên tận mỏ cát mà phải nằm chờ cả tháng mới lấy được hàng, nhưng nguồn cung cũng hạn chế. Cửa hàng nhiều lúc không có cát để bán cho khách. Hơn 10 ngày nay, giá đã hạ nhiệt được chút đỉnh, thế nhưng tính ra cũng cao hơn gấp đôi so với trước đây”.

 

Khảo sát trên thị trường cho thấy, từ thời điểm tháng 4, giá cát biến động ở mức chóng mặt, mặc dù đã hạ nhiệt so với trước, nhưng theo dự báo sẽ khó giảm về mức ban đầu. Cụ thể, nếu trong tháng 3 giá cát vàng bán lẻ dao động từ 100.000-120.000 đồng/m3, giá cát đen dao động từ 80.000-100.000 đồng/m3. Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 4, đầu tháng 5 thì giá cát vàng đã lên mức 350.000-380.000 đồng/m3, tăng gấp 3 lần. Tương tự, giá cát đen cũng ở mức từ 250.000-300.000 đồng/m3. Dù đã giảm nhưng giá cát vàng ở mức 200.000-250.000 đồng/m3 cũng tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 3.

 

Lý giải giá cát tăng, theo các chủ kinh doanh vật liệu xây dựng, giá cát bị đẩy lên cao là do lệnh “siết” quản lý khai thác cát của Chính phủ và các địa phương, khiến sản lượng cát giảm mạnh. Nhiều đơn vị khai thác cát giảm khối lượng, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung thấp nên dẫn đến tình trạng cát bị làm giá.

 

Mấy chục năm hành nghề, đây là lần đầu ông Lê Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hồng Gấm, ở ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thấy giá cát tăng cao, leo thang từng ngày như vậy. “Nguồn cung không hề thiếu, các mỏ khai thác vẫn bình thường. Tuy nhiên, do Chính phủ siết chặt khai thác cát nên các hộ kinh doanh họ tự ý điều chỉnh, nâng giá”.

 

Việc nguồn cung khan hiếm đẩy giá cát tăng đột biết đã khiến các công ty xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, nhà thầu có đầu vào là cát khốn đốn. Ông Lê Văn Nam cho biết thêm: “Việc siết chặt khai thác cát là đúng, thế nhưng phải làm có bài bản. Còn đằng này, đùng một cái ngưng cho khai thác, trong khi nguồn cung rất cao, hầu hết các công trình đều đang trong giai đoạn thi công. Cơn “sốt” đẩy giá cát tăng gấp ba lần chỉ trong hai tháng khiến các công ty xây dựng vừa và nhỏ phải chịu lỗ. Trong khi giờ đây, bước vào mùa mưa, nhu cầu ít, giá cát lại giảm, doanh nghiệp không bán được hàng. 1.000m3 cát mà doanh nghiệp nhập trong lúc giá đỉnh điểm giờ chưa bán được, coi như doanh nghiệp cũng phải chịu thua lỗ. Vì thế, Nhà nước rất có vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá, để giảm thiểu ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp”.

 

Tác động không nhỏ

 

Việc giá cát tăng trong thời gian qua có ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực xây dựng cơ bản nói chung. Hiện, tỉnh đang chuẩn bị đầu tư một số dự án phát triển hạ tầng giao thông quan trọng, như đường ô tô về trung tâm xã Đông Phước A; nâng cấp, sửa chữa đường vào Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân; đường nội ô thị trấn Nàng Mau… Theo chủ đầu tư, đối với các dự án chuyển tiếp mà nhà thầu đang thi công có khả năng bị chậm lại do nguồn cung cát bị khan hiếm, tìm nguồn cung. Hay đối với các dự án đang trong giai đoạn thiết kế, chuẩn bị các thủ tục đầu tư cũng có nhiều khả năng gây vượt tổng mức.

 

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết: Đối với dự án đường nội ô thị trấn Nàng Mau và dự án nâng cấp, sửa chữa đường vào Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân sử dụng khối lượng cát không lớn lắm. Do đó, có thể dùng nguồn dự phòng để bù lên nguồn xây lắp. Tuy nhiên, đối với dự án đường ô tô về trung tâm xã Đông Phước A, đây là dự án mới, đi qua ao, mương, ruộng, vườn, do vậy cần khối lượng cát san lấp rất lớn. Hiện ban quản lý đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, giám sát thiết kế, rà soát lại chi tiết các hạng mục đúng theo quy định. Nếu trường hợp vượt tổng mức 110 tỉ đồng thì sẽ có báo cáo về UBND tỉnh và các sở chuyên ngành để xin ý kiến có hướng xử lý. Mặt khác, ban quản lý vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án còn lại để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân theo quy định.

 

Nhìn chung, giá cát biến động theo chiều hướng tăng lên trong thời gian qua là thực trạng chung mà nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đối diện. Trước những tác động của giá cát đến lĩnh vực xây dựng cơ bản, các tỉnh, thành khu vực đã có báo cáo về bộ, ngành Trung ương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt. Trong buổi thị sát các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và làm việc với đại diện các tỉnh, thành trong khu vực vào cuối tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng rà soát quy hoạch, bảo đảm nguồn cát san lấp nền hợp lý cho các dự án giao thông trên nguyên tắc đảm bảo không làm ảnh hưởng tới các dòng sông, không làm sói mòn. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị hữu quan cũng cần nghiên cứu, tìm các vật liệu thay thế nền và cát xây dựng.

  

Theo THANH THÚY - NGUYÊN ANH (Báo Hậu Giang)