Công nghiệp tăng trưởng, nhưng còn khó khăn

Cập nhật, 13:17, Thứ Năm, 06/07/2017 (GMT+7)

Đánh giá của Sở Công thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có chiều hướng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,6%. Tuy nhiên, một số ngành chủ lực vẫn còn khó khăn do nguồn nguyên liệu, yếu thế cạnh tranh thị trường…

Chị Tùng nói gạch ế, chủ lò phải ra sức lấy công làm lời.
Chị Tùng nói gạch ế, chủ lò phải ra sức lấy công làm lời.

Hộ sản xuất gạch-  xoay xở trong khó khăn

Đi vào “vương quốc gạch” dọc Đường tỉnh 902, tuyến kinh Thầy Cai thuộc huyện Mang Thít thời gian này dễ dàng bắt gặp hình ảnh gạch chất bãi ven đường. Nhiều hộ sản xuất gạch mới gặp đã than: “gạch ế, giá trấu mắc, đất mê khan hiếm…”

Chị Tùng- hộ sản xuất gạch dọc tuyến kinh Thầy Cai- vừa đẩy xe gạch vô lò vừa bảo tiêu thụ gạch ống rất chậm, gạch chỉ bán chịu cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. “Lò gạch bây giờ chỉ lấy công làm lời”- chị Tùng nói, trước kia các công đoạn phơi gạch, chụm lò, chạy máy ép gạch… đều thuê mướn thợ, còn hiện nay “chủ lò phải tự làm để giảm chi phí”.

“Tình hình tiêu thụ gạch đang tệ nhất trong các năm qua”- anh Đào Phong Đỉnh (chủ lò gạch ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Phước- Mang Thít) cho biết trong hơn 30 năm làm gạch chưa thấy năm nào gạch ế như hiện nay.

Theo anh Đỉnh, từ vài năm trước tiêu thụ gạch truyền thống đã khó, nhưng khoảng 2 tháng nay là “khó khăn nhất”, mà “lò nào làm không khéo là lỗ chắc. Hiện giá trấu 1.000 đ/kg, đất mê 500 đ/viên (cho ra 2 viên gạch ống)… tính ra giá thành 1 viên gạch un lò tròn đã 950 đ/viên, trong khi giá bán “loại xuất sắc” được 1.000 đ/viên, còn thường chỉ 750- 800 đ/viên.

Năm ngoái 1 lò đốt 150.000 viên trong 2 tháng có thể lời 15 triệu đồng, nhưng nay các chủ lò chỉ từ huề đến lỗ thôi”- anh Đỉnh tính toán.

Tiêu thụ khó khăn, một số người chất gạch xuống ghe đi bán dạo trên sông hoặc như anh Đỉnh có vốn đầu tư xe tải chở gạch giao tận nơi cho các vựa ở TP Vĩnh Long và một số tỉnh lân cận, còn không thì “gạch ra lò chất bãi để đó”.

Theo anh Đỉnh, gạch khó tiêu thụ ngoài nguyên nhân đã vào mùa mưa ít công trình xây dựng, còn do giá cát lên cao người dân ít mua gạch xây nhà nên gạch cũng… ế theo.

Tại xã Mỹ An, theo ông Huỳnh Thanh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã, thời điểm hoạt động tốt trên địa bàn xã có gần 60 cơ sở và 2.000 lao động làm gạch, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 40 cơ sở, trong số này 50% cơ sở hoạt động cầm chừng.

Hộ sản xuất gạch gặp khó do thiếu nguồn đất sét nên giá rất cao, giá trấu cũng vậy, sản phẩm gạch truyền thống không cạnh tranh nổi với gạch lò nung liên hoàn.

Theo ghi nhận của ông Huỳnh Thanh Hoàng, nhiều chủ lò gạch đã “bỏ lò… tìm kế sinh nhai khác”. Như ông V. là một chủ lò gạch lớn đã bỏ lò xuống Trà Vinh kinh doanh vật liệu xây dựng, ông T.- doanh nghiệp lớn nhất của xã- đã bán hết đất cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn.

Doanh nghiệp giàu có như N.H. chuyển từ gạch sang nuôi heo, gặp thời điểm heo rớt giá nên phải bán đất… bù lỗ. Nhiều lò bị ngân hàng phát mãi, ai cần gạch chủ lò cho cả cái lò gạch tự tháo dỡ, vì mướn người dỡ lò cũng mất hơn 20 triệu đồng.

“Gạch thời điểm này ế, các chủ lò cầm cự lấy công làm lời thôi chứ hiệu quả không cao”- ông Hoàng nhận xét. Trong khi đó, lao động địa phương đã tìm việc khác ở Khu công nghiệp Hòa Phú, các doanh nghiệp ở Tuyến công nghiệp Cổ Chiên hay đi Bình Dương.

Hỗ trợ sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng

UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản.

Sản xuất gạch ngói là một trong những ngành có mức sản xuất giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm, với mức giảm 22,72%.

Theo đánh giá của Sở Công thương, do khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc yếu thế cạnh tranh trên thị trường, một số ngành chủ lực khác như đóng tàu và cấu kiện nổi; chế biến, bảo quản thủy sản; sản xuất xi măng… cũng có mức sản xuất giảm mạnh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng 12%) vẫn còn thấp.

Hơn nữa, tình hình xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp có chiều hướng tăng mạnh, nhưng mặt hàng nông- thủy sản vẫn còn gặp khó khăn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Vì thế, trong những tháng cuối năm, lãnh đạo ngành công thương cho biết sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất, phấn đấu thực hiện chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% theo chỉ tiêu được giao.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, quy mô và năng lực cạnh của các doanh nghiệp còn nhỏ.

Nhận thức về thời cơ và thách thức khi Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế chưa sâu. Việc khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp thực hiện còn chậm.

Chính vì thế, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản.

Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi ngành nghề; khuyến khích cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, Vĩnh Long rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1420 về việc quy hoạch phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Mục tiêu phát triển thêm 1- 2 khu công nghiệp tập trung và phấn đấu thành lập 1- 2 cụm công nghiệp nhằm đưa tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 22,7% GDP trong năm 2020 và chiếm 26,6- 28,2% trong GDP vào năm 2025.

Theo đó, tỉnh định hướng phát triển các phân ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trong thời gian tới gồm: chế biến thực phẩm và đồ uống; chế biến gỗ, giấy; cản xuất vật liệu xây dựng; hóa chất và các sản phẩm hóa chất; cao su, nhựa; sản xuất dệt, may; da giày; cơ khí và sản xuất sản phẩm kim loại; công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử; sản xuất và phân phối điện; sản xuất và phân phối nước; khai thác khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC