Bất an với thực phẩm "3 không" ở chợ

Cập nhật, 05:57, Thứ Sáu, 07/10/2016 (GMT+7)

Trứng, kẹo, bánh, nui, hủ tiếu, mứt, chả cá,... là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Song tại nhiều chợ, nhiều mặt hàng thực phẩm “3 không” này: không rõ nguồn gốc, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng vẫn còn tồn tại khá nhiều.

Người tiêu dùng cần chọn nơi bán có uy tín, chất lượng để mua hàng.
Người tiêu dùng cần chọn nơi bán có uy tín, chất lượng để mua hàng.

Thực phẩm “3 không”

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 8.000 tiểu thương có điểm bán cố định và kinh doanh thường xuyên hàng thực phẩm trong các chợ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, ý thức tự giác chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số tiểu thương chưa cao, chưa đầu tư được trang thiết bị đảm bảo vệ sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...

Ghi nhận tại một số chợ nông thôn, không khó để bắt gặp các loại thực phẩm đông lạnh như chả lụa, bò viên, cá viên,... được bày bán ở các sạp, sau khi tan chợ bán không hết, tiểu thương lại cất vào tủ đông lạnh để bán buổi chợ sau.

Tương tự, một số loại nấm ăn như nấm kim chi, bào ngư, rồi chao, nước mắm, bột nêm đến hủ tiếu, nui, bánh bông lan, kẹo,… cũng được bày bán từ sáng sớm đến chiều tối, không có bao bì, nhãn mác, nên dĩ nhiên cũng không có ngày sản xuất lẫn hạn sử dụng, bán không hết tiểu thương lại cất, hoặc “bảo quản theo cách riêng” để dành hôm sau bán tiếp.

Trong vai người mua, hỏi mua nui ở một quầy tạp hóa ở chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), chủ quầy đưa ra một bịch nui trắng 0,5kg, không có bất cứ thông tin gì trên bao bì.

Khi hỏi có bán loại có ghi cơ sở sản xuất, hạn sử dụng không, chủ quầy tỏ thái độ khó chịu: “Chỉ có loại đó, không mua thì thôi, ở đây người ta mua ăn hoài, có sao đâu!”

Ghé một tiệm khác mua bánh, kẹo, chúng tôi ghi nhận tại đây có không ít loại bánh kẹo cũng “3 không”. Cầm một que kẹo đường hình xoắn ốc có dấu hiệu chảy đường, chủ tiệm lại còn niềm nở giới thiệu: “Mua đi em, con nít khoái kẹo này lắm. Tại trời nắng nên nó vậy, chứ đem về nhà bỏ tủ lạnh ăn là ngon lắm, kẹo hư gì đâu mà sợ” (?!)

Tương tự, ở TP Vĩnh Long một số tiệm tạp hóa vẫn còn tình trạng bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.

Ghé một tiệm tạp hóa ở Phường 2 mua cái bánh bông lan “3 không” mà được chủ tiệm quảng cáo là “bánh mới ra lò, để 3- 4 ngày cũng không hư”, vậy mà ngày hôm sau khi lấy bánh ra xem đã nổi mốc xanh, mốc đỏ.

Ham giá rẻ, nên nhiều người tiêu dùng cũng đành nhắm mắt cho qua và mua các mặt hàng “3 không”. Chị Nguyễn Thị Phương (xã Chánh Hội- Mang Thít) nói: “Tôi thường ra chợ mua sản phẩm bán lẻ cho rẻ, biết là chất lượng cũng hên xui nhưng phù hợp túi tiền hơn”.

Trong khi đó, một số người tiêu dùng ở chợ nông thôn lại than phiền, dù nhận thức được tác hại của thực phẩm không đảm bảo an toàn đối với sức khỏe con người, dù đã có ý thức cảnh giác và biết nguy cơ không đảm bảo an toàn của thực phẩm “3 không” này, nhưng nói như chị Phạm Thị Ngọc Linh (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm):

“Đi chợ muốn mua những thực phẩm có nhãn mác đàng hoàng lắm nhưng chợ nhỏ, chủ yếu bán cho lao động có thu nhập thấp nên giá càng rẻ càng tốt. Như chả cá, bò viên, trứng đóng hộp, khô,... có thương hiệu đàng hoàng thì ở chợ quê làm gì có mà mua...”

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Chợ truyền thống vẫn đang là nơi cung cấp thực phẩm hàng ngày cho người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nơi đây vẫn chưa thật sự được quan tâm, vẫn còn nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, nhiều gia đình đã “đề cao cảnh giác”, luôn cân nhắc khi đi mua sắm.

Cô Lê Thị Ba (đường Phạm Hùng- Phường 2- TP Vĩnh Long) cho hay: “Nhiều thông tin thực phẩm bẩn quá nên tôi rất lo, cũng không biết mua chỗ nào cho an toàn nên tôi cũng chỉ biết cẩn thận hơn trong việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, coi kỹ bao bì
nhãn mác”.

Ông Trương Thanh Sử- Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (Sở Công thương) cho biết: Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung hơn nữa về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng, nên mua ở những đại lý, cửa hàng uy tín.

Để khắc phục, giảm bớt tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian sắp tới, thiết nghĩ, bên cạnh quản lý chặt chẽ hơn địa bàn, ban quản lý chợ, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiểu thương hiểu rõ những nguy hại do thực phẩm không an toàn gây ra cho sức khỏe cộng đồng, từ đó nâng cao ý thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN