Ghi nhận

Cần một chiến lược thị trường nông sản tết

Cập nhật, 07:35, Thứ Ba, 16/02/2016 (GMT+7)

Theo ghi nhận của phóng viên, giá cả thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 khá ổn định và hàng hóa dồi dào.

Ngoài một số mặt hàng “cháy hàng” vào giờ chót như dưa hấu, thịt heo và một số loại bia tăng giá, nhìn chung, giá các mặt hàng thiết yếu không có nhiều biến động. Tuy nhiên, một số ngành hàng thực phẩm tươi sống lại tăng giá mạnh và đến nay vẫn còn “giữ giá tết”.

Lâu rồi mới thấy người bán dưa thoải mái ở chợ tết thế này. Ảnh: CAO HUYỀN
Lâu rồi mới thấy người bán dưa thoải mái ở chợ tết thế này. Ảnh: CAO HUYỀN

Dưa hấu “cháy hàng”, thịt heo hết sớm

Ngày 29 tết- ngày cao điểm mua sắm cuối năm, người dân đua nhau đi chợ, siêu thị khiến thị trường rất nhộn nhịp và tấp nập.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng hóa tết dồi dào- nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm tết của người dân và không có hiện tượng khan hiếm, tăng giá đột biến. Tuy vậy, thị trường vẫn có những bất ngờ thú vị.

Đáng chú ý nhất là dưa hấu hút hàng bất ngờ từ tối 28 tết và đến sáng 29 tết đã “cháy hàng”. Nhiều lô bán dưa ở chợ Vĩnh Long thu dọn lều bạt vì đã sớm hết dưa. Tại Long Hồ, dưa chưng 15.000 đ/kg và khá đắt hàng, đến 12 giờ trưa chỉ còn rất ít dưa ăn.

Vì sao thị trường dưa “cháy hàng” bất ngờ? Theo một số tiểu thương, do năm nay giá dưa ổn định ngay từ đầu, khoảng 5.000- 6.000 đ/kg dưa ăn, dưa chưng 10.000- 15.000 đ/kg, không có hiện tượng “đẩy giá quá cao” nên người tiêu dùng dễ mua và mua sớm, mua nhiều. Ngay cả khi hút hàng, giá dưa cũng rất ổn định.

Thị trường hoa kiểng cũng gây bất ngờ nho nhỏ với cây vạn thọ, khi giá tăng vọt vào sáng 29 tết, từ 60.000 lên 100.000 đ/cặp. Theo nhiều người trồng hoa, năm nay lượng hoa vạn thọ về chợ hoa kiểng Vĩnh Long ít.

Vạn thọ cây tại các chợ Long An, Thanh Đức, thị trấn Long Hồ, chợ Long Mỹ (Mang Thít) bán 5.000- 7.000 đ/cây đã bán sạch trong sáng 29 tết. Còn các loại hoa kiểng khác như hoa hồng, hoa giấy, kiểng hàng lá giá cả ổn định và tiêu thụ mạnh.

Trong khi đó, cây tứ quý lại đại hạ giá gần 50% từ sáng 29 tết. Tuy nhiên, đến 14 giờ ngày 29 tết, khi các gian hàng dưa hấu, hoa kiểng khác đã dọn dẹp sạch thì cây tứ quý vẫn ế rất nhiều, người bán còn nán lại để “bán được cây nào đỡ cây đó”.

Trong khi đó, một chiếc xe tải 3 tấn chở đầy cây cát tường đủ màu khá đẹp dừng lại ở chợ hoa, lập tức, người mua đổ xô tranh giành mua không còn một chậu, vì hàng đẹp giá quá rẻ 50.000 đ/cặp. Trong khi loại hoa hồng nhung “đại hạ giá” 60.000 đ/cặp cũng ít người ngó tới.

Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt heo chiều 28 đến sáng 29 tết tiêu thụ mạnh và tăng giá mạnh khoảng 25.000- 30.000 đ/kg nhưng vẫn khá hút hàng.

Các loại thức uống như bia các loại, nước giải khát tăng 10.000- 20.000 đ/thùng, trong khi đó, theo một chủ cửa hàng tạp hóa ở Tân An Luông chỉ có bia Sài Gòn “giữ giá như ngày thường”. Những ngày tết, hàng quán ăn uống rất đắt khách và giá cả cũng tăng khoảng 5.000- 7.000 đ/món.

Cần một chiến lược cho thị trường tết

Một thực tế đáng ghi nhận là thị trường mùa tết năm nay không có nhiều biến động, khan hiếm đối với các mặt hàng tết thiết yếu.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, ngoài các mặt hàng công nghiệp, chế biến như gạo, bánh, mứt, kẹo… được các doanh nghiệp tính toán thị trường rất kỹ. Từ phân khúc thị trường, chọn đối tượng khách hàng phù hợp, tính toán số lượng, đến thiết kế bao bì, thay đổi mẫu mã để tạo ra sự cạnh tranh nhất định cho các sản phẩm của mình.

Hơn nữa, họ còn chú ý đến kiểu dáng mới lạ và chất lượng vượt trội như: gạo chất lượng cao hút chân không, nước mắm không chất bảo quản, kẹo thèo lèo đậu phộng, hạt điều… Song, hầu như thị trường tết của các sản phẩm như hoa kiểng, rau màu, và cả thị trường rất lớn của dưa hấu, nói chung là thị trường của nông sản mùa tết ít khi được tính đến.

Chính vì thế, không lạ gì khi hoa vạn thọ chậu lại tăng giá gần gấp đôi vào giờ chót do tết năm trước đó lượng cung quá nhiều khiến dội chợ, nên năm nay người dân “dội” trồng. Cũng vậy, dưa hấu năm trước đó đến 30 tết còn “đổ đống” đại hạ giá, thì năm nay mới sáng 29 tết đã hết hàng (chứ không đẩy giá lên cao) từ dưa chưng đến dưa ăn.

Nếu nhìn xa hơn về năm trước đó nữa, thị trường dưa hấu đã gây sốt cả về giá lẫn “hiếm” hàng. Còn mặt hàng “không thể thiếu trong mọi gia đình ngày tết” là thịt heo, cũng tạo nên cơn “sóng” nho nhỏ khi sạp thịt tại các chợ đã hết veo ngay trong sáng 29; mà ở năm trước đó, nhiều chủ sạp thịt cho biết “còn phải đi năn nỉ từng nhà ăn dùm”.

Sau tết, nhiều mặt hàng rau củ còn neo “giá tết”. Ảnh: AN THẢO
Sau tết, nhiều mặt hàng rau củ còn neo “giá tết”. Ảnh: AN THẢO

Từ những điển hình trên đây, có thể rút ra một quy luật thị trường như thế này: mặt hàng nào năm trước dội chợ thì năm sau hút hàng và ngược lại. Vì thế, rất nhiều nông dân, nhà vườn dựa vào yếu tố “quy luật” này để “nhắm chừng” nuôi, trồng nhiều hay ít vào năm sau.

Tuy nhiên, vì không có một khảo sát cụ thể và dự báo thị trường một cách căn cơ, nên rất nhiều năm, người dân phải “ôm dưa hấu hay ôm vạn thọ” ăn tết là vậy.

Điều đó không chỉ gây tổn thất cho nông dân, mà còn khiến thị trường “bị làm giá”. Chẳng hạn, thị trường rau củ quả trong và sau tết năm nào cũng bị đẩy giá lên gần gấp đôi, ba lần.

Năm nay cũng không ngoại lệ, giá nhiều loại nông sản như nấm rơm, các loại rau, củ tăng rất cao vì “tết mà”, nhưng đến nay nhiều loại vẫn ở mức giá rất cao. Hơn nữa, gần đến rằm tháng Giêng (mùa chay) nên giá nông sản cũng… nương theo. Sao không làm rau, củ cho thị trường tết, mùa ăn chay?

Có thể nói, tết là thị trường tiêu thụ rất lớn đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt các nông sản địa phương.

Đã có rất nhiều nông dân tự mày mò làm ra các sản phẩm lạ, “độc” như: bưởi Tài Lộc, bưởi hình bàn tay Phật, dừa in chữ nghệ thuật, dưa lê Thần Tài, xoài nổi chữ, dưa thỏi vàng,… rất thành công.

Chính vì thế, rất cần có một chiến lược bài bản để khai thác thế mạnh các mặt hàng nông sản địa phương mùa tết, đồng thời tránh đi những rủi ro đã từng xảy ra: “thừa hàng, dội chợ tết”.

 

Xu hướng ăn tết “hướng nội”

 

Một cán bộ xã Long An (Long Hồ) nhận xét năm nay người dân không trang hoàng nhà cửa rực rỡ, hoa kiểng nhiều như những năm trước, mà lại chăm lo cho bữa ăn gia đình nhiều hơn. Chẳng hạn, nhiều gia đình mua rất nhiều đồ ăn thức uống tươi sống để con cháu, người thân về nhà cùng nhau nấu nướng, thưởng thức.

 

Bên cạnh đó, quà biếu tặng cũng chuộng những mặt hàng xuất xứ rõ ràng chứ không “gặp đâu mua đó giỏ quà gói sẵn” như mọi năm. Vì thế, các loại đặc sản như: lạp xưởng Sóc Trăng, tôm khô, cá kèo Trà Vinh, khô mực Cà Mau, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long)… dịp tết rất đắt hàng.

AN THẢO