Thương hiệu, tưởng dễ mà khó

Cập nhật, 14:44, Thứ Sáu, 28/06/2013 (GMT+7)

Khi phát hiện hàng loạt khoai tây Trung Quốc nhập ồ ạt vào Việt Nam, rồi “hô biến” thành khoai tây Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lật đật đi xây dựng thương hiệu riêng cho khoai tây Đà Lạt.

Được coi là động thái tích cực, nhưng nếu không có vụ việc mượn danh của khoai tây Trung Quốc, liệu việc này có được ngành chức năng để mắt. Dù trước đó, người trồng khoai tây đang dần chuyển sang trồng cây màu khác, để tránh giá cả bấp bênh, cạnh tranh không lại sản phẩm cùng loại giá rẻ của Trung Quốc.

Từ khoai tây, nhìn về vùng khoai lang Bình Tân cũng vậy. Sau khi có những hiện tượng bất thường do thương lái Trung Quốc nhào vô “làm giá”, thì vấn đề xây dựng thương hiệu cho vùng khoai mới được đề cập.

Và hàng loạt vấn đề yếu kém trong quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường, chế biến sản phẩm… đã bộc lộ. Có thể nhìn thấy rất rõ nông dân sản xuất vẫn theo kiểu “thấy người khác làm, mình cũng làm theo” trong khi mù mờ thị trường. Để rồi, “số phận” vùng khoai đặc sản trên thị trường cứ trôi nổi, tới đâu tính tới đó.

Thương hiệu dường như là giải pháp được tính tới đầu tiên mỗi khi hàng hóa nông sản Việt Nam gặp phải một cuộc “xâm lăng” của sản phẩm cùng loại nào đó. Nó như 1 cam kết, đảm bảo với thị trường: hàng hóa có tên tuổi, xuất xứ hàng hóa, quy trình sản xuất… rõ ràng.
 
Người tiêu dùng mua thương hiệu như mua được cả chất lượng sản phẩm và sự yên tâm sử dụng. Dù vậy, để làm được điều đó, hàng hóa nông sản của chúng ta chưa làm được. Rất nhiều thương hiệu đã “xây dựng rồi… bỏ đó”, do thiếu những điều kiện cần và đủ để đi vào đời sống thị trường, đi vào tâm thức của người tiêu dùng.

Vĩnh Long không thiếu những thương hiệu trái cây, vùng rau, củ sạch… nhưng tới giờ những thương hiệu đó vẫn long đong. Một chủ nhiệm hợp tác xã rau an toàn than thở chỉ cần một điểm bán hàng quảng bá sản phẩm ở chợ thành phố, vậy mà đề xuất hoài không được. Nếu muốn tính chuyện lớn hơn, phải làm sao?

Bido2_40.com