Sân chơi ươm mầm sáng tạo

Cập nhật, 19:27, Chủ Nhật, 28/11/2021 (GMT+7)

 

Những sản phẩm xuất sắc được trao giải ở cuộc thi năm 2020.
Những sản phẩm xuất sắc được trao giải ở cuộc thi năm 2020.

Qua 10 năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng đã tạo nên sân chơi bổ ích, khuyến khích bạn trẻ tìm tòi, trang bị kiến thức khoa học và những kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0.

Khuyến khích người trẻ sáng tạo

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thế giới và Việt Nam đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng sẽ biến đổi cách sống, cách làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo hướng hoàn toàn mới, trong đó con người không chỉ giao tiếp với nhau mà còn giao tiếp, tương tác với các thiết bị khoa học công nghệ, kỹ thuật cao.

Điều đó đặt ra yêu cầu là thế hệ trẻ phải được trang bị kiến thức khoa học và những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng trước những thay đổi. Do đó, khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học, rèn luyện phương pháp học tập tự chủ, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực, giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo là những mục tiêu quan trọng mà ngành giáo dục phải hướng đến.

Những bạn trẻ tham gia sân chơi bổ ích.  Ảnh chụp năm 2020
Những bạn trẻ tham gia sân chơi bổ ích. Ảnh chụp năm 2020

10 năm qua, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng ngày càng nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm sáng tạo. Trong năm học 2020- 2021 toàn tỉnh có 8.410 sản phẩm dự thi ở các khối lớp (tăng 1.623 sản phẩm so với năm học trước).

Nhiều năm gắn bó với cuộc thi, thầy Trần Hoàng Túy- Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và kết nối cộng đồng chia sẻ: ngành giáo dục luôn chú trọng phát hiện, truyền đam mê, cảm hứng để ươm mầm sáng tạo bởi “Nơi nào có sáng tạo, nơi đó có thành công. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.

Cuộc thi tạo nền tảng kỹ năng nghiên cứu sáng tạo cho học sinh, làm hành trang cho học sinh trên con đường học tập và nghiên cứu về sau. Đa số các đơn vị đều có số sản phẩm tăng, trong đó nhiều nhất là Long Hồ tăng 911 sản phẩm. Phân theo cấp học thì số lượng sản phẩm tham gia của cấp tiểu học và THCS đều tăng.

Anh Trần Nguyễn Trung Hiếu- Ủy viên Thường vụ Tỉnh Đoàn cho biết, cuộc thi nhằm góp phần thúc đẩy phong trào, phát huy tiềm năng sáng tạo trong thanh thiếu niên- nhi đồng, đặc biệt là để noi theo tấm gương tự học, sáng tạo của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Tỉnh Đoàn tiếp tục phát động cuộc thi trong năm học mới, đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ gắn với hoạt động “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”, các hoạt động trải nghiệm phát triển tư duy trong đối tượng thanh thiếu nhi. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng những em có đam mê sáng tạo, tích cực học tập, nghiên cứu tìm tòi cái mới.

Ứng dụng vào cuộc sống

Nhiều sản phẩm tham dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng mang tính mới, phục vụ đời sống và giải quyết các vấn đề thời sự như dịch COVID-19, hạn hán, xâm nhập mặn…

“Hệ thống 3K hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19” của học sinh Trường THPT Trà Ôn đã giành giải nhất trong cuộc thi năm nay.

Em Phan Hồng Phúc cho biết, từ đầu năm 2021, thầy trò mất hơn 2 tháng mày mò, chế tạo ra chiếc máy để chung tay phòng chống dịch bệnh. Máy rửa tay, đo thân nhiệt tự động với giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có thể áp dụng ở nhiều nơi như bệnh viện, trường học, nơi công cộng…

“Em từng nhiều lần tham gia cuộc thi, năm ngoái em đạt giải 3 cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa với sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân Parkinson. Cuộc thi tạo điều kiện để em và các bạn được sáng tạo. Em học được nhiều kinh nghiệm của thầy cô, tự học trên Internet, tích lũy kiến thức. Em vừa đậu vào Trường ĐH FPT Cần Thơ, ngành Công nghệ thông tin, tiếp tục hành trình mày mò, sáng tạo”- Hồng Phúc chia sẻ.

“Hệ thống 3K hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19” của bạn Phan Hồng Phúc và Lê Quốc Bảo giành giải nhất cuộc thi.
“Hệ thống 3K hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19” của bạn Phan Hồng Phúc và Lê Quốc Bảo giành giải nhất cuộc thi.

Em Trần Nguyễn Quế Anh (lớp 9A1, Trường THCS Thuận Thới- Trà Ôn) giành giải nhì với “Hệ thống phòng chống COVID-19 thông minh”. Quế Anh sử dụng thẻ nhớ để lưu âm thanh nhắc nhở, lời khuyên. Khi máy đo thân nhiệt trên 38 độ, còi sẽ báo cùng với nhắc nhở. Máy đã được sử dụng ở trường học của Quế Anh.

Em chia sẻ: “Sản phẩm của em có thể tận dụng vật liệu hư hỏng để tái chế thành dụng cụ phục vụ chống dịch. Cuộc thi là cơ hội để em học hỏi, em rất vui khi được ứng dụng kiến thức của mình phục vụ cuộc sống”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh, ý tưởng về khoa học kỹ thuật bao giờ cũng xuất phát từ cơ sở khoa học. Do đó, tiêu chí đánh giá sản phẩm không chỉ căn cứ vào sản phẩm cuối cùng mà thông qua sản phẩm để đánh giá kiến thức và năng lực nghiên cứu của các em.

Mỗi sản phẩm sẽ tương xứng với kiến thức mà các em đã tích lũy được và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sản phẩm dự thi của các em có thể chưa thật sự hoàn thiện nhưng đó là những ý tưởng chứng minh cho quá trình học tập nghiêm túc, năng lực tư duy độc lập, yêu khoa học và đam mê sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh gửi gắm: “Cô mong muốn các em sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện và tích cực nghiên cứu để có thể trở thành những nhà khoa học, những công dân trẻ cống hiến nhiều hơn cho tỉnh Vĩnh Long trong tương lai”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY