Chuyển đổi số tạo đột phá cho ngành thư viện

Cập nhật, 05:46, Thứ Ba, 19/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Chuyển đổi số (CĐS) đang được xem như “cơ hội vàng” cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, trong đó có thư viện. Hệ thống thư viện tỉnh đang tích cực CĐS để mang nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, phát triển văn hóa đọc.

Ô tô thư viện lưu động được tích hợp tài liệu điện tử. Ảnh chụp trước dịch COVID-19, tại Trường Tiểu học Phú Quới A, huyện Long Hồ
Ô tô thư viện lưu động được tích hợp tài liệu điện tử. Ảnh chụp trước dịch COVID-19, tại Trường Tiểu học Phú Quới A, huyện Long Hồ

Ngày 14- 15/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn “Nâng cao năng lực CĐS và quản trị thư viện số” trực tuyến tại hơn 150 điểm cầu.

Các chuyên gia lĩnh vực thư viện chia sẻ và giới thiệu các nội dung về tổng quan CĐS, những vấn đề cơ bản trong CĐS và số hóa tài liệu thư viện, cơ hội và thách thức đối với CĐS trong hoạt động thư viện ở Việt Nam...

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phạm Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, CĐS trong lĩnh vực thư viện là việc áp dụng công nghệ để xây dựng, phát triển nền tảng số, đồng thời tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, giúp người dân cùng tham gia góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu về thư viện và mạng lưới thư viện thông tin quốc gia.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, sự thay đổi phương thức học tập và làm việc từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến đang khiến công tác CĐS ngành thư viện càng trở nên cấp thiết.

Bạn Đoàn Văn Tường (sinh viên Trường ĐH Kinh tế- Luật TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Em học ngành luật, phải dành nhiều thời gian đến thư viện để tra cứu, thu thập các tài liệu cần thiết cho việc học.

Tuy nhiên từ tháng 4 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, em ở quê Vĩnh Long và chỉ học online, kho dữ liệu được số hóa, lưu trữ trực tuyến của thư viện ĐH Quốc gia và thư viện tỉnh giúp ích cho em rất nhiều. Em có thể tiếp cận tài liệu thuận tiện hơn ngay tại nhà, bất kỳ thời gian nào”.

Trang điện tử của Thư viện tỉnh giúp độc giả tra cứu tài liệu trực tuyến dễ dàng.
Trang điện tử của Thư viện tỉnh giúp độc giả tra cứu tài liệu trực tuyến dễ dàng.

Qua 3 năm triển khai đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (2018- 2020), bà Nguyễn Thị Hồng Nga- Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, hiện nay trong 107 xã- phường và thị trấn có 8 thư viện đạt chuẩn, còn lại là phòng đọc sách.

Thư viện cấp huyện có trên 20.000 bản sách, hơn 10 máy vi tính và thư viện cấp tỉnh có gần 400.000 bản sách giấy và tài nguyên số, gần 100 máy vi tính phục vụ chuyên môn và phục vụ bạn đọc truy cập Internet.

Trong thời đại công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, hình thức đọc sách báo trên các thiết bị thông minh được bạn đọc tiếp nhận ngày càng phổ biến.

Vì vậy, hầu hết thư viện công cộng cấp huyện trở lên sử dụng mạng xã hội tuyên truyền và giới thiệu sách hay các sự kiện liên quan. Đặc biệt, Thư viện tỉnh sử dụng mạng xã hội phục vụ cho hoạt động chuyên môn, giới thiệu sách và dịch vụ đọc sách ebook thông qua website.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đã ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện “Chương trình CĐS ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu chủ yếu đến năm 2025: đầu tư và phát triển Thư viện tỉnh hoàn thiện về hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

25% thư viện trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập. 

Có 50% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh thu thập và quản lý được số hóa. Đồng thời, 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại…

Và định hướng đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.

Chương trình CĐS ngành thư viện cần sự đầu tư đồng bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số để đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ