Tin vui vắc xin Việt Nam: Tính bước tiến xa hơn

Cập nhật, 06:11, Thứ Bảy, 24/07/2021 (GMT+7)

 

Việt Nam có thể nghĩ tới mục tiêu xuất khẩu vắc xin.
Việt Nam có thể nghĩ tới mục tiêu xuất khẩu vắc xin.

(VLO) Làm chủ được công nghệ, chủ động được nguồn nguyên liệu, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu xuất khẩu vắc xin.

Tín hiệu tích cực

Nỗ lực sản xuất vắc xin chống COVID-19 tại Việt Nam vừa đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. 13.000 tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax giai đoạn 2 hiện đều có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến.

Trong khi đó, mũi 1 của đợt tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 cũng vừa hoàn tất. Dự kiến đến 15/8 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm mũi 2.

Bác sĩ Lê Vinh- nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh- cho rằng, với việc tất cả tình nguyện viên đều an toàn sau tiêm đã mang lại những kết quả khả quan, tiếp thêm niềm tin cho mục tiêu “sớm có vắc xin đầu tiên của Việt Nam trong năm nay”. 

Đặc biệt, khi Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận với Nga, Mỹ về chuyển giao công nghệ vắc xin. Cùng với đó, Cuba cũng đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ vắc xin cho Việt Nam.

Chúng ta không chỉ hướng tới mục tiêu có vắc xin trong nước mà hoàn toàn có thể nghĩ tới mục tiêu xa hơn, đó là xuất khẩu vắc xin ngừa COVID-19.

Theo bác sĩ Lê Vinh, quy trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin tại Việt Nam cũng được tiến hành cùng thời điểm thế giới bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin khác.

Tới nay, nhiều loại vắc xin ngừa COVID-19 trên thế giới đã được lưu hành, trong bối cảnh nhiều biến thể mới của chủng SARS-COV-2 chưa xuất hiện, ví dụ như biến thể Delta.

Vì vậy, mặc dù các vắc xin ngừa COVID-19 đã được cấp phép và đang lưu hành vẫn được nghiên cứu để chống lại các biến thể vi rút mới nhất, những biến đổi hoặc đột biến của vi rút mới dù không làm cho vắc xin mất hoàn toàn tác dụng nhưng vẫn không loại trừ khả năng vắc xin bị kém hiệu quả hơn đối với một hoặc nhiều biến thể mới. Trong trường hợp này, có thể thay đổi một số hoạt chất vắc xin để chống lại những biến thể mới này.

“Vắc xin Nanocovax của Việt Nam cũng được thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm theo công nghệ tái tổ hợp mà các loại vắc xin thế giới đã làm, đều có khả năng chống lại những biến thể mới.

Tuy nhiên, khi vẫn có những phản ứng phụ do vắc xin gây ra thì những loại vắc xin sản xuất sau được kỳ vọng sẽ tìm ra được những mảnh ghép hiệu quả hơn, ít phản ứng phụ hơn”- vị chuyên gia cho hay.

Có thể xuất khẩu

Với việc đang từng bước “cán đích” trong quy trình sản xuất vắc xin ngừa COVID-19, nhiều ý kiến kỳ vọng, trong tương lai Việt Nam có thể chủ động về nguồn vắc xin đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang các nước.

Kỳ vọng trên không phải không có cơ sở, bởi theo bác sĩ Lê Vinh, Việt Nam từng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thành công nhiều loại vắc xin có chất lượng tốt.

Có thể điểm qua như: vắc xin viêm gan B từ huyết tương người, vắc xin viêm não Nhật Bản (trong những năm 1980-1990), vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Năm 1997, chúng ta bắt đầu đưa vắc xin tự sản xuất vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cho đến nay, hơn 40 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản đã được cung cấp cho chương trình này.

Năm 2005, nước ta xuất khẩu 1 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản đầu tiên sang Ấn Độ và nay vắc xin Việt Nam đã xuất đi một số nước khác như Đông Timor, Hàn Quốc, Myanmar…

Cho đến nay, nước ta đã tự sản xuất được 10/11 loại vắc xin, cung cấp đủ cho chương trình tiêm chủng mở rộng, như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt uống, sởi, thương hàn, viêm gan B, lao, viêm não Nhật Bản, tả uống.

Chưa hết, mới đây, Bộ Y tế đã đón nhận giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin Việt Nam (NRA) đạt chuẩn quốc tế, được trao bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Với cơ hội này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận NRA và có điều kiện xuất khẩu vắc xin trong tương lai gần. Với tất cả những nền tảng cũng như điều kiện nói trên, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu xuất khẩu vắc xin COVID-19 trong tương lai.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cũng như thuốc điều trị COVID-19 với các đối tác tiềm năng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh, Đức.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)