Cảm biến vi mạch mới đo hormone căng thẳng từ giọt máu

Cập nhật, 06:18, Chủ Nhật, 04/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Một nhóm các nhà nghiên cứu ĐH Rutgers vừa phát triển một vi mạch có thể đo lượng hormone căng thẳng trong thời gian thực từ một giọt máu. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Science Advances.

Cortisol và các hormone căng thẳng khác điều chỉnh nhiều khía cạnh của sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, gồm cả chất lượng giấc ngủ. Cortisol cao có thể dẫn đến giấc ngủ kém, làm tăng căng thẳng, góp phần gây ra các cơn hoảng sợ, đau tim và các bệnh khác.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tương tự chế tạo chip máy tính để chế tạo cảm biến mỏng hơn sợi tóc người có thể phát hiện các phân tử sinh học ở mức độ thấp. Họ đã xác nhận hiệu suất của thiết bị thu nhỏ trên 65 mẫu máu của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Tác giả chính Reza Mahmoodi- học giả sau TS tại Khoa Điện và Máy tính ĐH Rutgers-New Brunswick cho biết: “Việc sử dụng cảm biến nano cho phép chúng tôi phát hiện các phân tử cortisol trực tiếp mà không cần bất kỳ phân tử hoặc hạt nào khác đóng vai trò nền”.

“Cảm biến mới của chúng tôi tạo ra phản hồi chính xác và đáng tin cậy cho phép đọc liên tục mức cortisol để phân tích thời gian thực. Nó có tiềm năng lớn để thích nghi với phép đo cortisol không xâm lấn trong các chất lỏng khác như nước bọt và nước tiểu.

Không cần dụng cụ cồng kềnh lớn như kính hiển vi quang học và đầu đọc đĩa mà chỉ là một chiếc hộp nhỏ bỏ túi, giúp bệnh nhân có thể theo dõi mức độ hormone và kiểm soát tốt hơn tình trạng viêm mãn tính, căng thẳng và các tình trạng khác với chi phí thấp hơn”- PGS. Mehdi Javanmard cho biết thêm.

HẢI HUỲNH (Nguồn: MedicalXpress)