Thách thức từ siêu trí tuệ nhân tạo

Cập nhật, 15:46, Thứ Hai, 14/06/2021 (GMT+7)
Minh họa về trí tuệ siêu nhân tạo.
Minh họa về trí tuệ siêu nhân tạo.

Siêu trí tuệ nhân tạo (ASI) là một loại trí tuệ nhân tạo (AI) cấp cao, không chỉ bắt chước hoặc hiểu được trí thông minh và hành vi của con người mà còn vượt qua khả năng và trí thông minh của con người.

Các “ông lớn” đầu tư vào ASI

ASI có thể suy nghĩ, học hỏi, phán đoán và hành động toàn diện, tự chủ bằng cách học dữ liệu quy mô lớn dựa trên cơ sở hạ tầng máy tính có khả năng tính toán dung lượng lớn.

Một trong những bước tiến quan trọng là khi AI đạt trình độ ASI, khiến nó có thể tự lập những thuật toán mới để xử lý điện toán cực nhanh. Nó có thể tổng hợp từ các nguồn dữ liệu lớn, khiến ASI nhanh chóng vượt qua con người để đạt tới mức siêu nhiên. Cho đến nay, đã có những hãng khổng lồ hàng đầu thế giới đang đầu tư mạnh vào công nghệ AI nói chung và ASI nói riêng là Google, Facebook, Amazon, IBM, Microsoft…

Google đã thực hiện dự án AI cho hệ thống tàu điện ngầm London (Anh). Google cũng đưa hệ thống học máy TensorFlow miễn phí vào hoạt động theo công nghệ nhận dạng thoại, hình ảnh, dịch thuật và bắt chước cơ chế hoạt động của não người.

Facebook cũng sử dụng công nghệ AI giúp người khiếm thị có thể “nhìn thấy” ảnh qua một ứng dụng trên iOS, tạo các bản đồ chi tiết về dân số, người truy cập Internet toàn cầu và nghiên cứu hành vi của người dùng; nhận dạng khuôn mặt của người trong ảnh đăng trên mạng xã hội…

Máy tính Watson nổi tiếng của IBM có khả năng trả lời câu hỏi theo ngôn ngữ tự nhiên, thông qua sử dụng AI để phân tích bối cảnh và ý nghĩa ẩn sau các bức ảnh, video, tin nhắn và lời thoại. IBM đang nghiên cứu nâng cấp Watson mạnh thêm 1,7 lần và ứng dụng cho máy soạn bài học dựa trên tài liệu được cung cấp.

Viện Nghiên cứu AI thuộc Tập đoàn LG mới đây thông báo trong một buổi trò chuyện trực tuyến rằng, họ sẽ đầu tư hơn 100 triệu USD trong vòng 3 năm tới để phát triển cơ sở hạ tầng máy tính lớn có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng.

Cụ thể, viện này có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán AI top 3 toàn cầu, có thể xử lý các phép tính 95,7 triệu tỷ lần mỗi giây. Vào nửa cuối năm 2021, LG sẽ công bố một ASI mang tên GPT-3 với 600 tỷ thông số. GPT-3 có thể giao tiếp tự nhiên như con người và viết các bài tiểu luận, tiểu thuyết. Viện nghiên cứu AI của LG đang có kế hoạch phát triển ASI siêu lớn với hàng ngàn tỷ thông số trong nửa đầu năm 2022.

Theo trang nghiên cứu thị trường ResearchAndMarkets.com, AI hiện nay xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý dữ liệu đến mua sắm bán lẻ. Về lâu dài, các giải pháp liên quan đến nhiều loại AI và cả ASI cũng như tích hợp trên các lĩnh vực khác như Internet of Things (IoT) và phân tích dữ liệu.

Lo ngại ASI mất kiểm soát

Theo giới nghiên cứu, cùng với những thành tựu to lớn của con người về công nghệ AI giúp định hình thế giới theo cách tốt đẹp hơn, thì AI cũng mang lại sự lo ngại ngày càng gia tăng, rằng đến lúc nào đó, máy móc sẽ kiểm soát con người, khiến con người phụ thuộc vào những quyết định của máy móc khi chúng đạt đến trình độ AGI và ASI.

Nhà vật lý Stephen Hawking vào năm 2017 đã đưa ra giả thuyết ngay trước khi ông qua đời: “AI có thể là sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nền văn minh của chúng ta. Nó mang đến những mối nguy hiểm, như vũ khí tự trị mạnh mẽ hoặc những cách thức mới để số ít áp chế số đông. Nó có thể mang lại sự gián đoạn lớn cho nền kinh tế của chúng ta”.

Khái niệm về những cỗ máy thông minh tiếp quản thế giới hay những biến thể của chúng, đã nhiều lần lên màn bạc qua những bộ phim bom tấn với viễn cảnh ngày tận thế do những cỗ máy vượt qua trí thông minh của con người gây ra.

Ông chủ Elon Musk của Tesla và SpaceX cũng đã dự đoán những hậu quả nghiêm trọng tương tự, cho rằng AI có khả năng nguy hiểm hơn đầu đạn hạt nhân, đồng thời thường xuyên kêu gọi giám sát quy định nhiều hơn đối với sự phát triển của AI.

Tuy nhiên, không phải mọi dự báo đều bi quan. Trên thực tế, AI đã và đang thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta, gần như hoàn toàn theo những cách cải thiện sức khỏe, sự an toàn và năng suất của con người… Và quan trọng là con người biết cách ngăn chặn khả năng lạm dụng công nghệ AI vào các mục đích xấu. Các ứng dụng AI có lợi trong trường học, gia đình và bệnh viện đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Do đó, ở giai đoạn này, chúng ta phải tin rằng, trong tương lai, khi AI phát triển thành ASI cũng nhằm phục vụ cho nền văn minh của nhân loại.

ĐÔNG PHƯƠNG (theoSGGP)