Chuyển đổi nhựa phế thải thành nhiên liệu trong vòng chưa đầy 1 giờ

Cập nhật, 09:45, Thứ Bảy, 22/05/2021 (GMT+7)

Các nhà khoa học ĐH Bang Washington (WSU) vừa phát triển một phương pháp chuyển đổi nhựa phế thải thành nguyên liệu làm nhiên liệu máy bay trong vòng chưa đầy 1 giờ. Đây còn là giải pháp giúp giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu. Cụ thể, đây là một quy trình xúc tác chuyển đổi hiệu quả polyethylene thành nhiên liệu động cơ phản lực và chất bôi trơn giá trị cao.

Polyethylene là loại nhựa được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và được sử dụng để làm túi mua sắm, màng bọc thực phẩm trong và chai dầu gội đầu.

Nghiên cứu của WSU có thể chuyển đổi khoảng 90% nhựa thành các thành phần nhiên liệu động cơ phản lực hoặc các sản phẩm hydrocacbon khác trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 428°F (220°C)- thấp hơn nhiệt độ thường được sử dụng để chuyển đổi nhựa ngày nay.

Họ cho biết việc điều chỉnh các điều kiện xử lý, chẳng hạn như nhiệt độ, thời gian hoặc lượng chất xúc tác được sử dụng, cũng có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu tùy chọn tinh chỉnh quy trình để tạo ra các sản phẩm mong muốn.

Tác giả nghiên cứu Hongfei Lin thuộc Trường Kỹ thuật hóa học và Kỹ thuật sinh học của WSU cho biết: “Tùy thuộc vào thị trường, chúng tôi có thể điều chỉnh sản phẩm muốn tạo ra một cách linh hoạt. Việc áp dụng quy trình hiệu quả này có thể cung cấp cách tiếp cận đầy hứa hẹn để sản xuất có chọn lọc các sản phẩm có giá trị cao từ polyetylen phế thải”.

Trong những thập niên gần đây, sự tích tụ chất thải dẻo đã gây ra một cuộc khủng hoảng môi trường, làm ô nhiễm các đại dương và môi trường hoang sơ trên khắp thế giới, đồng thời trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe con người.

TUYẾT HUỲNH

(Nguồn: the journal Chem Catalysis)