Bệnh suy tim giết chết Maradona nguy hiểm thế nào?

Cập nhật, 08:55, Chủ Nhật, 29/11/2020 (GMT+7)

 

Huyền thoại bóng đá Diego Maradona.
Huyền thoại bóng đá Diego Maradona.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Diego Maradona tử vong vì phù phổi cấp do suy tim mãn tính. Đây là bệnh nguy hiểm, trái tim không đủ sức bơm máu đi nuôi cơ thể. Thông tin trên được tiết lộ từ Bộ Tư pháp Argentina, tại thời điểm khám nghiệm tử thi Maradona vào ngày 25/11- theo CNN.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm- Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị)- cho biết Maradona có thể đã mắc suy tim từ lâu, nay bệnh chuyển giai đoạn cuối. Với bệnh lý này, người bệnh cần vận động hợp lý, tránh gắng sức, uống thuốc, thở oxy, nghỉ ngơi. “Từ việc nhỏ nhất như đánh răng và vệ sinh cá nhân cũng cần hỗ trợ do cơ thể không đủ sức”- bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm cho biết.

Nếu không nghỉ ngơi hợp lý, tình trạng suy tim cấp xảy đến, trái tim không đủ sức để loại bỏ nước, khiến phổi bị quá tải, đầy ứ dịch làm cho người bệnh không thở được và tử vong.

Trước đó, Maradona mắc tiểu đường, tăng huyết áp do hậu quả của chế độ ăn và sinh hoạt trong những năm trước. Đây là các yếu tố thuận lợi khiến cho bệnh suy tim tăng nặng hơn.

Theo bác sĩ Phạm Đặng Hoài Thương- Khoa Nội Tim mạch- Lão học (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ), suy tim là tim bị yếu đi, không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc bơm máu đi nuôi cơ thể. Bệnh nhân mất dần khả năng vận động, sinh hoạt, làm việc, chất lượng sống suy giảm, đe dọa tính mạng.

Có 4 cấp độ suy tim. Cấp độ 1 là suy tim tiềm tàng, người bệnh vẫn hoạt động thể lực và sinh hoạt bình thường, không có hiện tượng khó thở, mệt mỏi, hồi hộp. Cấp độ 2 là suy tim nhẹ, người bệnh bị hạn chế nhất định trong các hoạt động thể lực, sinh hoạt hàng ngày, khi nghỉ ngơi thì không có triệu chứng gì nhưng khi hoạt động gắng sức nhiều thì thấy khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực.

Ở cấp độ 3, người bệnh bị hạn chế khá nhiều trong các hoạt động thể lực, sinh hoạt hàng ngày. Khi nghỉ ngơi, các triệu chứng được thuyên giảm, nhưng khi hoạt động gắng sức dễ bị khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực.

Tới cấp độ 4, bệnh chuyển nặng, người bệnh thực hiện bất kỳ hoạt động thể lực nào đều cảm thấy khó chịu, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nhiều, khó thở xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi, bệnh nhân chỉ có thể làm được những việc nhẹ.

Bác sĩ Phạm Đặng Hoài Thương cho biết, không thể chữa khỏi suy tim, việc điều trị giúp kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thời gian sống và cải thiện tối đa chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, uống đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian, không tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc dù thấy không còn triệu chứng. Trong trường hợp người bệnh gặp phải tác dụng phụ, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để giảm liều hoặc chuyển sang loại khác phù hợp hơn.

Chế độ sinh hoạt rất quan trọng trong điều trị và phòng ngừa suy tim. Người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, tránh làm việc gắng sức quá mức, không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Người mắc suy tim cần tránh lo lắng, căng thẳng, duy trì cân nặng ở mức vừa phải.

Chế độ ăn phù hợp được khuyến cáo gồm hạn chế muối, bổ sung nhiều rau xanh, cá, ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ nước, hạn chế cholesterol (trong mỡ động vật, các chế phẩm béo từ sữa); mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, không ăn phủ tạng động vật.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo khoahoc.tv)