Phát minh "bê tông sống" có thể tự chữa lành vết nứt và hấp thụ ô nhiễm

Cập nhật, 19:49, Chủ Nhật, 19/01/2020 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Colorado Boulder vừa phát triển vật liệu xây dựng mới dùng xây các tòa nhà bền vững hơn với sự trợ giúp của… vi khuẩn.

Nghiên cứu vừa đăng trên Tạp chí Matter. Kỹ sư Wil Srubar và các đồng nghiệp mô tả chiến lược của họ là sử dụng vi khuẩn để phát triển vật liệu xây dựng sống, bền, có thể giúp lượng khí thải carbon thấp hơn.

“Chúng tôi đã sử dụng vật liệu sinh học trong các tòa nhà, như gỗ, nhưng những vật liệu đó vẫn không tồn tại mãi. Chúng tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta không thể giữ chúng sống tiếp?”- Srubar- PGS thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Môi trường và Kiến trúc cho biết.

Cụ thể, ông và các đồng nghiệp đã thử nghiệm vi khuẩn thuộc chi Synechococcus. Trong điều kiện thích hợp, những vi khuẩn màu xanh lá cây này hấp thụ khí carbon dioxide để giúp chúng phát triển và biến canxi cacbonat thành thành phần chính trong đá vôi và chuyển hóa thành xi măng.

Họ đã cấy các khuẩn lạc của vi khuẩn lam vào dung dịch cát và gelatin. Với các tinh chỉnh phù hợp, canxi cacbonat được tạo ra bởi các vi khuẩn khoáng hóa gelatin liên kết với nhau bằng cát và tạo ra viên gạch.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong một loạt các điều kiện độ ẩm, chúng có sức mạnh tương đương với vữa được các nhà thầu hiện sử dụng.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng có thể làm cho vật liệu… sinh sản. Chặt một trong những viên gạch này làm đôi, mỗi nửa có khả năng phát triển thành một viên gạch mới. Những viên gạch mới này có khả năng phục hồi: Theo tính toán của nhóm, khoảng 9- 14% các khuẩn lạc vi khuẩn trong vật liệu vẫn còn sống sau 30 ngày và 3 thế hệ khác nhau ở dạng gạch.

HẢI HUỲNH (Nguồn: Journal Matter)