"Hãy cho tôi pin"

Cập nhật, 10:30, Thứ Tư, 07/08/2019 (GMT+7)

Đây là tên gọi một dự án do Công ty Cổ phần Giải pháp Môi trường ARES (ARESEN) đã và đang triển khai gần 2 tháng nay tại TP. Long Xuyên.

Đúng như tên gọi của mình, dự án đặt những điểm tiếp nhận miễn phí pin đã qua sử dụng từ người dân, sau đó đưa đến cơ quan có chức năng xử lý và tái chế. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, hình thành ý thức cho người dân không bỏ pin cũ vào thùng rác thải hàng ngày hoặc môi trường tự nhiên.

Một hành động nhỏ của mỗi người dân như mang pin cũ đến nơi tiếp nhận sẽ góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường.
Một hành động nhỏ của mỗi người dân như mang pin cũ đến nơi tiếp nhận sẽ góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường.

Pin cũ - chất thải nguy hiểm

Thông thường, mỗi gia đình thường có rất nhiều vật dụng dùng pin như: đồng hồ, điều khiển ti-vi, điện thoại di động, laptop, đồ chơi trẻ em... Sau một thời gian sử dụng, khi pin không còn giá trị, người dân có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chung vào thùng rác như các loại rác thải khác, mà không biết rằng pin là một chất thải vô cùng nguy hiểm.

Lúc này, pin có thể bị đốt hoặc chôn lấp, cách nào cũng gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước. Trong pin có các kim loại nặng như: chì, thủy ngân, kẽm, cadmium… đây đều là chất cực độc nếu đi vào cơ thể con người dù chỉ một lượng nhỏ.

Theo nghiên cứu, lượng thủy ngân có trong 1 viên pin dùng hết khi vứt đi có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm.

Thủy ngân từ các nguồn nước ô nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, hít thở, chúng có thể gây hại cho não, thận, tim mạch… Còn chì khi đi vào cơ thể sẽ gây rối loạn hoặc làm ngưng các phản ứng sinh hóa, gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, chứng mất trí nhớ, vô sinh ở người lớn…

Khi Cadmium xâm nhiễm vào cơ thể người, nó sẽ là tác nhân của nhiều loại bệnh như: loãng xương, thiếu máu, ung thư, tăng nguy cơ dị dạng cho thai nhi... Chỉ một viên pin nhỏ, tưởng chừng vô hại lại gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Chính vì vậy, pin sau khi sử dụng nên được mang đến những địa điểm thu gom rác thải pin để được xử lý.

Chung tay bảo vệ môi trường

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp về các giải pháp bảo vệ môi trường, ARESEN nhận biết được pin đã qua sử dụng thuộc chất thải nguy hại. Tính đến nay, ARESEN đã đặt 2 điểm tiếp nhận pin cũ miễn phí tại 2 trụ sở công ty của mình.

Với thông điệp “Hành động hôm nay, an toàn cho tương lai”, thời gian tới, công ty mong muốn đặt thêm nhiều điểm trong nội ô TP. Long Xuyên để tiện lợi nhất cho người dân đến bỏ pin. Từ đó, sẽ dần hạn chế được số lượng pin cũ bị thải ra môi trường như bỏ vào thùng rác, giúp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Theo anh Bùi Thanh Pháp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giải pháp Môi trường ARES, số pin cũ thu gom được, ARESEN cam kết vận chuyển đến với tổ chức Việt Nam Tái Chế tại TP. Hồ Chí Minh (Vietnam Recycles - là tổ chức thực hiện việc thu hồi và xử lý miễn phí rác thải điện tử, trong đó có hỗ trợ xử lý pin đã qua sử dụng). Tuy nhiên, hiện nay, số lượng pin cũ thu được mỗi tuần vẫn chưa nhiều, chưa đến 50 viên.

“Thực tế vẫn có rất nhiều người ý thức được tác hại của việc thải pin cũ ra môi trường, họ biết thu gom đúng chỗ, nhưng cuối cùng lại vứt tạm đâu đó vì không tìm thấy nơi thu gom pin cũ. Mỗi người một việc sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng môi trường xanh, sạch cho thế hệ mai sau.

Tôi mong rằng, dự án của ARESEN sẽ được thêm nhiều người dân biết đến, ủng hộ và đồng hành”- anh Pháp bày tỏ. Hiện tại, ARESEN đã tiếp xúc với một số trường tiểu học trên địa bàn TP. Long Xuyên để mong muốn hợp tác triển khai mô hình thu gom pin cũ miễn phí ngay tại trường.

“Tôi chọn cách tác động ngay từ gốc đó là giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho các em học sinh ngay khi từ còn nhỏ. Hy vọng rằng, khi việc phân loại, thu gom rác trở thành thói quen thì chính các em sẽ làm nên sự thay đổi ý thức ở phụ huynh và người thân” - anh Pháp mong muốn.

Địa điểm tiếp nhận pin đã qua sử dụng tại TP. Long Xuyên: Công ty Cổ phần Giải Pháp Môi trường ARES - Số 18, bờ kè Nguyễn Du (phường Mỹ Bình) và tại Công ty TNHH Tư vấn Giáo dục MMW - số 19, đường Yết Kiêu (phường Mỹ Bình)

Theo ÁNH NGUYÊN (AGO)