Công nghệ cấy ghép cực kỳ hứa hẹn cho người mù

Cập nhật, 05:22, Thứ Bảy, 24/08/2019 (GMT+7)

Các nhà khoa học vừa phát triển một công nghệ “cực kỳ hứa hẹn”, có thể giúp người mù nhìn thấy ánh sáng.

Khoảng 39 triệu người trên thế giới không thể nhìn thấy. Mặc dù điều này thường là do lỗi ở võng mạc, nhưng chỉ có vài trăm người đủ điều kiện để cấy ghép võng mạc.

Võng mạc nằm ở phía sau mắt và thu nhận hình ảnh các dây thần kinh thị giác sau đó chuyển thành các xung. Chúng được gửi đến não, nơi hình ảnh được hình thành.

Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ và Ý đã truyền một dòng điện trực tiếp đến dây thần kinh thị giác ở thỏ thông qua một điện cực gọi là OpticSELINE. Điều này kích thích vỏ thị giác của động vật, vùng não nơi thông tin từ võng mạc được xử lý.

Tiến trình liên quan đến việc thay thế các tế bào võng mạc bị hỏng bằng cấy ghép điện tử kích thích các tế bào khỏe mạnh còn lại tạo ra tín hiệu dọc theo dây thần kinh thị giác. Điều này đòi hỏi một vết cắt nhỏ trong mắt, không đảm bảo tầm nhìn tốt.

Các nhà khoa học đã cố gắng khôi phục thị lực bằng cách kích thích dây thần kinh thị giác từ những năm 1990.

GS. Diego Ghezzi cho biết: “Trước đó, các điện cực dây thần kinh đã được sử dụng. Vấn đề là các điện cực này cứng và chúng di chuyển xung quanh, do đó kích thích điện của các sợi thần kinh trở nên không ổn định”.

OpticSELINE được tạo ra từ 12 điện cực, cùng nhau cung cấp một dòng điện đến vỏ thị giác của thỏ. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động trong phần não này và phát triển một “thuật toán phức tạp” để giải mã các tín hiệu.

Họ thấy mỗi điện cực dẫn đến một “mô hình kích hoạt vỏ não cụ thể và duy nhất”. Điều này cho thấy dây thần kinh thị giác có “chọn lọc và cung cấp thông tin”- các nhà khoa học cho biết.

TUYẾT HUỲNH (Nguồn: the journal Nature Biomedical Engineering)