Ứng xử với "ô nhiễm trắng"

Cập nhật, 20:04, Thứ Bảy, 06/07/2019 (GMT+7)

 

Asthwash Hedge với túi nilon được làm từ khoai tây và tinh bột sắn.
Asthwash Hedge với túi nilon được làm từ khoai tây và tinh bột sắn.

“Ô nhiễm trắng” là ô nhiễm môi trường do chất thải túi nilon. Theo số liệu nghiên cứu gần đây, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.

Càng đau đầu hơn khi một túi nilon phải mất 200- 500 năm mới phân hủy ở môi trường tự nhiên. Với loại rác thải trăm năm chưa phân hủy này, chúng ta cần có cái nhìn và giải pháp nghiêm khắc hơn.

Theo thống kê, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam thải ra khoảng 5-7 túi nilon mỗi ngày. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Ô nhiễm môi trường từ túi nilon không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào mà là vấn nạn của toàn cầu. Để giải bài toán này, nhiều sáng kiến sản xuất túi thân thiện với môi trường đã ra đời.

Việc đánh thuế túi nilon đã mở đường cho việc phát triển và phổ biến nhiều loại túi thân thiện với môi trường. Bao bì tự phân hủy hiện được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện môi trường sống mà vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng của con người.

Một trong số đó là túi nilon phân hủy sinh học được làm từ vật liệu có nguồn gốc thực vật. Giải pháp này đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến như Anh (túi làm bằng bột sắn), Ý (túi làm từ cám bắp). Ở Pháp, túi sinh học sau khi dùng xong, trộn với một số rác thực vật khác, ủ lại thì có thể tự hủy trong vòng 2-3 tháng).

Từ cuối năm 2009, các nhà khoa học tại ĐH Tổng hợp Campinas (Brazil) cũng đã giới thiệu một loại túi nilon sinh học mới có khả năng tự hủy rất nhanh. Đây là loại túi được làm từ cây Quinoa, một loại cây lương thực sinh trưởng tại vùng núi Andes. Ưu điểm nổi bật của loại túi này là có thể tự tiêu hủy dưới tác động của vi sinh vật (chôn dưới đất) chỉ trong vòng 18 ngày.

Kỹ sư người Mỹ Paul Tasner đã chế tạo thành công loại bao bì có thể dễ dàng phân hủy trong đất. Karta Pack là loại bao bì có cùng chất lượng như các loại túi nilon khác song có kết cấu không bền vững về phương diện sinh học nên có thể dễ phân hủy.

Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất loại sản phẩm này là bột giấy từ các loại giấy báo và bìa tái chế, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Karta Pack còn được sản xuất với nhiều hình dáng và mẫu mã hấp dẫn, có màu sắc, tạo ra cảm giác thú vị cho người sử dụng.

Hiện công ty của ông Tasner có 6 đối tác tại 5 nước trên các châu lục khác nhau và các công ty này đều chỉ sử dụng những nguyên liệu sinh học địa phương để sản xuất bao bì. Tại Trung Quốc sẽ sử dụng tre và bã mía, trong khi các đối tác tại Canada lại dùng rơm, lúa mì và các chất liệu khác nữa để sản xuất bao bì.

Doanh nhân Ấn Độ Asthwash Hedge đã sáng chế ra chiếc túi nilon được làm từ khoai tây và tinh bột sắn. Công ty của anh có tên EnviGreen, hiện nay công suất sản xuất 100% những chiếc túi hữu cơ, có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường.

Điều đặc biệt là những chiếc túi này có độ bền và mang đến cảm nhận giống y như chúng ta đang sử dụng túi nilon. Chiếc túi nilon này còn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, ngay cả mực in trên túi cũng được chọn từ nguyên liệu hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên.

Còn doanh nghiệp Indonesia Kevin Kumala cũng đã đưa ra sáng kiến độc đáo là chế tạo những chiếc túi làm từ khoai mì. Doanh nghiệp này hiện nay đang cung cấp tới 3 tấn túi “khoai mì” cho rất nhiều cửa hiệu, khách sạn tại Indonesia. Ngoài ra, Kevin cũng đã phát triển được các sản phẩm cho đồ ăn nhanh như cốc, ống hút, dao dĩa dùng một lần và các sản phẩm đều được làm từ khoai mì và mía.

Một sản phẩm nữa là túi giấy hiện đang được các siêu thị sử dụng. Giấy được làm từ nguyên liệu tự nhiên là gỗ, dễ tái chế và thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sống, thời gian phân hủy nhanh hơn so với túi nilon.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng việc sử dụng túi giấy là rất cần thiết, không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó việc in ấn túi giấy giá rẻ, không cần đầu tư nhiều. Và việc sử dụng các loại giấy tái chế để làm túi giấy sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn rất nhiều.

“Ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường. Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi nilon đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường… Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác, nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư… Sự lạm dụng tiện lợi của túi nilon kết hợp thói quen vứt rác bừa bãi của con người khiến túi nilon trở thành thứ rác tràn lan trong cuộc sống. Thực tế này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là tác nhân ẩn chứa vi khuẩn bệnh tiềm tàng, tắc nghẽn cống rãnh, ô nhiễm môi trường.

ĐÔNG PHƯƠNG (tổng hợp)