40 năm phát triển ngành KH-CN Vĩnh Long

Phục vụ ngày càng tốt hơn cho kinh tế- xã hội

Cập nhật, 05:46, Thứ Hai, 20/05/2019 (GMT+7)

Trong 40 năm (1979- 2019) hình thành và phát triển, ngành khoa học và công nghệ (KH- CN) không ngừng lớn mạnh, cả về tổ chức, bộ máy và năng lực hoạt động. Qua đó đã đóng góp tích cực và có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội địa phương…

Hoạt động khoa học- công nghệ được quan tâm đầu tư, phát triển. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đến tham quan Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ thuộc Sở Khoa học- Công nghệ.
Hoạt động khoa học- công nghệ được quan tâm đầu tư, phát triển. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đến tham quan Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ thuộc Sở Khoa học- Công nghệ.

Nhiều kết quả nổi bật

Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cửu Long được thành lập ngày 7/5/1979. Sau nhiều lần đổi tên, đến nay là Sở KH- CN tỉnh Vĩnh Long.

Tổng kết 40 năm hình thành và phát triển, vượt qua những khó khăn, hạn chế, ngành KH- CN đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Trong 40 năm qua, ngành KH- CN đã triển khai thực hiện 506 đề tài/ dự án cấp bộ và cấp tỉnh. Trong đó có 4 dự án thuộc chương trình nông thôn- miền núi của Bộ KH- CN.

Theo Sở KH- CN, các hoạt động nghiên cứu triển khai ngày càng hoàn thiện, chất lượng được nâng lên, đa số đề tài ứng dụng trong thực tiễn dưới nhiều hình thức khác nhau, công tác nghiên cứu khoa học hàng năm đều xuất phát từ việc giải quyết các nhu cầu bức thiết của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể, gắn với thực tiễn cuộc sống.

Từ đó hướng tới phục vụ nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nói chung và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp- nông thôn nói riêng, tích cực đồng hành và hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng bền vững…

Theo ThS. Nguyễn Văn Tùng- Giám đốc Sở KH- CN, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu nhiệm vụ mới. Đặc biệt là tập trung triển khai các chương trình, đề tài, dự án, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH- CN, gắn với chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh…

Trong khi đó, các mặt hoạt động khác của ngành KH- CN như hoạt động quản lý nhà nước về KH- CN (tiêu chuẩn- đo lường- chất lượng, sở hữu trí tuệ,…); hoạt động thanh- kiểm tra về KH- CN; hoạt động thông tin KH- CN; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, tư vấn, chuyển giao KH- CN; các hoạt động KH- CN cấp cơ sở, cấp huyện; hoạt động hợp tác về KH- CN;… đều đã và đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung, của từng địa phương, từng ngành nói riêng.

ThS. Nguyễn Văn Tùng cũng đánh giá tiềm lực KH- CN của tỉnh trong thời gian qua từng bước được quan tâm đầu tư với tổng kinh phí ngày càng tăng, đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực KH- CN có sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng.

Từ đó, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH- CN trong hội nhập kinh tế quốc tế…

“Tỉnh Vĩnh Long cũng đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các viện nghiên cứu, các trường ĐH, các tổ chức KH- CN trong và ngoài tỉnh, từ đó huy động được nhiều nguồn lực KH- CN đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà…”- Giám đốc Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học- công nghệ góp phần xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học- công nghệ góp phần xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao vai trò KH- CN

Mặc dù đạt nhiều kết quả, thành tựu to lớn nhưng hoạt động KH- CN nhìn chung vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, cần ý thức được việc tăng cường đào tạo, huấn luyện, bổ sung đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0…

Đồng thời, chất lượng và hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án nghiên cứu triển khai cần phải tiếp tục nâng cao, gắn kết hơn nữa với thực tiễn sản xuất và đời sống. Đặc biệt là cơ chế chính sách về KH- CN mặc dù có nhiều đổi mới nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu phát triển KH- CN nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội nói chung.

Theo ThS. Nguyễn Văn Tùng, thời gian tới, ngành KH- CN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình/đề án về KH- CN để phục vụ có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH- CN phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường…

Các mặt công tác khác thuộc ngành KH- CN cũng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả, nâng cao trình độ công nghệ doanh nghiệp trên các phương diện nhân lực, tổ chức và trang thiết bị, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ…

“Thời gian tới, sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác phát triển KH- CN với các viện, trường, các tổ chức KH- CN trong và ngoài tỉnh.

Gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực KH- CN của tỉnh, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành các doanh nghiệp KHCN trong tỉnh…”- ThS. Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Ngành KH- CN sẽ tập trung triển khai các đề án: đề án Phát triển KH-CN; đề án Phát triển công nghệ sinh học; chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; kế hoạch về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh; dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY