Bệnh nhân thứ 2 được chữa khỏi HIV

Cập nhật, 19:57, Thứ Bảy, 09/03/2019 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu xác nhận bệnh nhân thứ 2 đã loại bỏ hoàn toàn vi rút chết người này bằng phương pháp ghép tủy.

 

Timothy là người đầu tiên khỏi bệnh do nhiễm HIV trên thế giới.  Ảnh: Npr
Timothy là người đầu tiên khỏi bệnh do nhiễm HIV trên thế giới. Ảnh: Npr

Theo New York Times, ca nhiễm HIV thứ 2 trên thế giới đã được chữa khỏi nhờ phương pháp ghép tế bào gốc tủy kháng HIV.

Bệnh nhân giấu tên ở London (Anh), gọi là “Bệnh nhân London” đã trải qua 3 năm từ khi được ghép tế bào gốc tủy kháng HIV và hơn 18 tháng ngưng điều trị thuốc kháng vi rút.

Sau quá trình trị liệu này, các bác sĩ và cả những xét nghiệm nhạy nhất cũng không tìm ra vi rút trong cơ thể “bệnh nhân London”.

Đáng nói, bệnh nhân đầu tiên và bệnh nhân thứ hai đều được cấy ghép tủy xương nhằm chữa ung thư chứ không phải chữa HIV. Người đàn ông này mắc ung thư hạch Hodgkin và được ghép tủy xương từ một người hiến tặng với đột biến CCR5 vào tháng 5/2016.

Ông cũng được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh nhân dừng sử dụng thuốc chống HIV vào tháng 9/2017. 18 tháng sau, ông hoàn toàn không có vi rút HIV trong cơ thể.

Khi được các nhà khoa học thông báo rằng ông có thể đã được chữa khỏi cả bệnh ung thư và HIV, bệnh nhân rất bất ngờ. “Đó thực sự là điều siêu phàm. Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có cách chữa trị trong suốt cuộc đời của mình”- bệnh nhân London cho biết.

Bác sĩ Annemarie Wensing- nhà vi rút học tại Trung tâm Y tế ĐH Utrecht (Hà Lan)- cho biết điều này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người rằng chữa bệnh không phải là giấc mơ mà có thể thực hiện được.

Trước đó, Timothy Ray Brown (46 tuổi ở Settle, Washington- Mỹ) là người đầu tiên được chữa khỏi căn bệnh này.

Timothy được gọi là “người đàn ông Berlin”, phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 1995 khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trường ĐH ở Berlin (Đức). Sau 10 năm chấp nhận các loại thuốc chữa trị, mọi thứ vẫn rất ổn với Brown. Cho đến năm 2006, anh bắt đầu ốm yếu và đi lại khó khăn. Bác sĩ lại chẩn đoán anh bị bệnh bạch cầu dạng nguy hiểm.

Brown tiếp tục thực hiện 2 ca ghép tế bào tủy gốc thay thế sau đó. Điều này có thể giúp hệ miễn dịch bị tổn thương do HIV của Brown được thay thế bằng bộ phận mới có thể chống lại vi rút này. Biện pháp này còn giúp anh chữa khỏi bệnh bạch cầu.

Năm 2008, anh phải dành phần lớn thời gian để điều trị tại bệnh viện. Cuối cùng, sau nhiều lần xét nghiệm, các bác sĩ không tìm thấy vi rút HIV trên cơ thể người đàn ông này. Kết quả này đã mang tới những hy vọng về khả năng chữa khỏi HIV bằng biện pháp ghép tủy xương.

Tuy vậy, ghép tủy xương dường như không phải là lựa chọn điều trị thực tế trong tương lai gần. Cấy ghép có nhiều rủi ro, tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kéo dài trong nhiều năm. Trong khi đó, các loại thuốc mạnh hiện luôn có sẵn để kiểm soát nhiễm HIV.

Trên thế giới hiện có khoảng 37 triệu người có HIV. “Bệnh nhân London” là bệnh nhân thứ 2 được chữa khỏi. Ảnh: avert.org
Trên thế giới hiện có khoảng 37 triệu người có HIV. “Bệnh nhân London” là bệnh nhân thứ 2 được chữa khỏi. Ảnh: avert.org

Theo các nhà nghiên cứu, họ sẽ phát triển các phương pháp trị liệu gien để loại bỏ CCR5 trên các tế bào miễn dịch hoặc tế bào gốc tiền thân của chúng. Chống lại HIV, những tế bào biến đổi này cuối cùng sẽ làm sạch vi rút trong cơ thể.

Một cảnh báo quan trọng đối với mọi phương pháp tương tự là bệnh nhân vẫn dễ bị tổn thương trước một dạng HIV gọi là X4, sử dụng một loại protein khác, CXCR4, để xâm nhập vào tế bào.

TS. Timothy J.Henrich- chuyên gia về AIDS tại ĐH California (Mỹ) cho biết, nếu ai đó có vi rút lượng nhỏ vi rút X4, chúng vẫn có thể nhân lên rất nhiều dù đã sử dụng CCR5.

Thực tế, một trường hợp được cấy ghép tủy đã loại bỏ hết vi rút HIV nhưng sau đó nhanh chóng tái phát do X4. Thậm chí, để đề phòng vi rút này, bệnh nhân đầu tiên vẫn đang uống thuốc hàng ngày để ngăn ngừa tái phát.

ĐÔNG PHƯƠNG

(Theo ĐVO)