Chính phủ điện tử vĩnh long

Minh bạch, hiện đại hóa phục vụ hành chính công

Cập nhật, 13:03, Thứ Ba, 05/02/2019 (GMT+7)

 

Xây dựng Chính phủ điện tử góp phần nâng cao mức độ phục vụ công dân, đáp ứng thời kỳ hội nhập. Trong ảnh: Hệ thống một cửa điện tử tại UBND huyện Tam Bình.

Xây dựng Chính phủ điện tử góp phần nâng cao mức độ phục vụ công dân, đáp ứng thời kỳ hội nhập. Trong ảnh: Hệ thống một cửa điện tử tại UBND huyện Tam Bình.

 

Sau một thời gian vận hành thành công hệ thống một cửa điện tử cấp huyện- thành, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện tại các sở, ngành, thí điểm nhiều ở xã- phường. Đặc biệt là trong năm 2019, ngoài mở rộng thêm ở nhiều đơn vị, vĩnh long còn ra mắt trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh- một bước đi mạnh mẽ trong xây dựng Chính phủ điện tử.

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Có mặt tại hệ thống một cửa điện tử của UBND huyện Tam Bình vào ngày đầu tuần, chúng tôi khá ấn tượng với việc giải quyết công việc tại đây. Bên trong, người dân đến làm thủ tục được cán bộ một cửa tư vấn, sau đó hướng dẫn đến làm thủ tục tại quầy. Người đến làm thủ tục phần lớn ở lĩnh vực đất đai và cho biết họ rất ấn tượng và hài lòng khi được giải quyết thủ tục tại bộ phận một cửa.

Chú Trần Văn Lành (xã Bình Ninh- Tam Bình) ngồi chờ trả kết quả, vui vẻ nói: “Nông dân bây giờ nếu ai không rành chữ nghĩa vô đây làm thủ tục cũng dễ dàng!” Sau khi nộp giấy tờ để chuyển quyền sử dụng đất, tới hẹn chú đến để lấy kết quả. Chú Lành cho biết, cán bộ phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, thời gian cũng được rút ngắn so với trước đây.

Tương tự, tại hệ thống một cửa điện tử ở TP Vĩnh Long, các xã- phường cũng có một điểm chung. Ngoài việc trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại cũng như phần mềm dùng chung, tại đây còn tạo không gian sạch đẹp, cán bộ phục vụ chuyên nghiệp, vui vẻ khi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Vĩnh Long Đoàn Hồng Hạnh cho biết, sau khi công bố khung kiến trúc, tỉnh đã tập trung xây dựng phần mềm một cửa liên thông (hay một cửa điện tử) cấp huyện- thành.

Hệ thống này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công khai minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đối với cấp huyện triển khai thí điểm từ tháng 2/2017. Đến năm 2018, bên cạnh hoàn thành hệ thống một cửa cấp huyện, còn thực hiện ở các sở, ngành và thí điểm ở 28 xã- phường. Năm 2019 tiếp tục được tập trung xây dựng, mở rộng.

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP, năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và một số văn bản chỉ đạo của Trung ương, Vĩnh Long đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tập trung, đặc biệt là trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó quan tâm triển khai hệ thống một cửa điện tử theo hướng thống nhất, liên thông quy trình xử lý từ cấp tỉnh đến huyện, xã.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đánh giá, việc đưa vào vận hành hệ thống một cửa trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo công khai, minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 HƯỚNG ĐẾN SỰ TIỆN LỢI CHO CÔNG DÂN

Về tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, bà Đoàn Hồng Hạnh cho biết, đến cuối năm 2018, một số vấn đề cơ bản của kiến trúc Chính phủ điện tử đã hoàn thành. Gồm xây dựng trục xác thực, trục liên thông kết nối và một số ứng dụng dùng chung.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Phước- Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin- Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Long) thông tin, dù sớm công bố khung kiến trúc Chính phủ điện tử nhưng phần lớn các địa phương chỉ đưa ra các quy định, tiêu chuẩn, văn bản hướng dẫn.

Về vấn đề thiết kế phần mềm nền tảng của từng mảng như xây dựng trục liên thông, trục xác thực, dịch vụ công, trung tâm hành chính công, một cửa,…thì vài tỉnh- thành phố lớn có kinh phí công bố là xây dựng xong. Hiện, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được các dịch vụ cốt lõi như trục xác thực, trục liên thông kết nối, ứng dụng dùng chung. Về sau này chỉ cần phát triển thêm ứng dụng tại các cơ quan chuyên môn dựa theo chuẩn xây dựng theo khung kiến trúc.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2018 bên cạnh hoàn thành cơ bản “bộ khung” cho kiến trúc Chính phủ điện tử, tỉnh đã nâng cấp hệ thống thư điện tử của tỉnh theo hướng mã nguồn mở, với dung lượng mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây;

xây dựng phần mềm lịch công tác toàn tỉnh, ngoài lịch công tác của cơ quan, cá nhân, phần mềm còn tích hợp nhiều tiện ích như dự thảo, kết luận của các cuộc họp, với nội dung nào công bố thì được xem theo từng cấp độ, phân quyền người sử dụng, đối tượng; triển khai thanh toán điện tử phục vụ cho trung tâm hành chính công, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4;

cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 2/2017, có 100% dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và một số đơn vị cấp xã đạt mức độ 3, tích hợp hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho các sở, ban, ngành tỉnh; xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, an toàn thực phẩm, công chứng; trang bị các thiết bị bảo mật, để kiểm soát an ninh thông tin của tất cả các sở, ngành, huyện, xã;…

Theo kế hoạch, thời gian tới tỉnh tiếp tục từng bước xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh, tạo lập cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành phục vụ cho hệ thống hỗ trợ tra cứu cộng đồng, tra cứu thông tin GIS cơ bản và phản hồi của người dân.

Đặc biệt, đầu năm 2019 đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh (tại địa chỉ số 12C, đường Hoàng Thái Hiếu, Phường 1- TP Vĩnh Long) và chính thức đi vào hoạt động trong quý I/2019.

Như vậy, đối với lĩnh vực giải quyết cấp xã- phường thì công dân đến cấp xã- phường, cấp huyện- thành thì cũng đã xây dựng “một cửa”, các lĩnh vực nào liên quan cấp tỉnh thì chỉ cần đến Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.

Khi đó, mỗi sở- ngành sẽ có người tiếp nhận, công dân chỉ cần làm việc tại đây, kể cả liên quan đến thuế, ngân hàng. Đồng thời, việc lấy kết quả có thể lựa chọn qua đường bưu điện. Đặc biệt, việc giải quyết thủ tục đến đâu, khi nào trả kết quả sẽ được công khai, minh bạch, hoàn toàn tích hợp trên phần mềm, giúp công dân dễ dàng tra cứu hồ sơ của mình.

Trang web Cổng dịch vụ công trực tuyến, Trung tâm Phục vụ hành chính công Vĩnh Long (https://dichvucong.vinhlong.gov.vn).
Trang web Cổng dịch vụ công trực tuyến, Trung tâm Phục vụ hành chính công Vĩnh Long (https://dichvucong.vinhlong.gov.vn).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đến 100% các cơ quan hành chính trên toàn tỉnh và đã kết nối liên thông với hệ thống thông tin quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai hoàn thiện các hạng mục của dự án xây dựng chính quyền điện tử, trong đó chú trọng chia sẻ, liên kết cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương để phục vụ tốt hơn, đảm bảo tính công khai minh bạch cho người dân và doanh nghiệp, tiếp cận với các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, là hướng đến việc phục vụ công dân, khi đó có thể lựa chọn thực hiện thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc đến cơ quan nhà nước sao cho tiện lợi nhất.

Bài, ảnh: TẤN ANH