Phát huy niềm đam mê nghiên cứu

Cập nhật, 08:45, Thứ Tư, 23/01/2019 (GMT+7)

 

Các đề tài tham dự thể hiện sự quan tâm của các em đến các vấn đề của cuộc sống.
Các đề tài tham dự thể hiện sự quan tâm của các em đến các vấn đề của cuộc sống.

Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh (HS) trung học được tổ chức hàng năm đã và đang thu hút nhiều HS tham gia. Đây có thể xem là sân chơi bổ ích giúp các em thể hiện những ý tưởng sáng tạo và biến nó trở thành hiện thực…

Phát huy niềm đam mê nghiên cứu

Trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT, các trường, các thầy cô giáo luôn thể hiện tính chủ động phương pháp giảng dạy, vừa cùng đồng hành với các HS phát huy tinh thần sáng tạo của các em.

Theo đó, cuộc thi là một trong những hoạt động nhằm phát huy việc dạy học phát triển năng lực sáng tạo, phát triển tiềm năng sáng tạo của HS, tạo điều kiện để các em làm chủ quá trình học tập của bản thân, phát huy đam mê nghiên cứu và khơi gợi niềm yêu thích trong học tập.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT, giải quyết vấn đề và sáng tạo là những mục tiêu quan trọng mà các trường phổ thông đang hướng đến cùng với yêu cầu đổi mới giáo dục, chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học.

“Hiện nay, việc đổi mới chương trình hiện hành cũng đã có nhiều bước thay đổi quan trọng và có tín hiệu tích cực. Một trong những đổi mới được đánh giá hay nhất, đặc sắc nhất chính là cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Đây là sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học, khuyến khích tinh thần tự học hỏi, nghiên cứu, khả năng sáng tạo của HS, những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực ứng dụng trong đời sống sinh hoạt của con người…”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học được tổ chức từ năm học 2013- 2014 và thật sự mang lại ý nghĩa tích cực, khơi nguồn cho nhiều sáng tạo, nhiều phát minh về khoa học, kỹ thuật. Hội thi năm học 2018- 2019 đã có 41 đơn vị tham gia với 102 học sinh đến từ các trường THCS, THCS- THPT, THPT trên địa bàn tỉnh.

Tổng số dự án tham gia cuộc thi là 63. Theo đánh giá từ BTC, các dự án dự thi đã thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, có chiều sâu và phong phú về các lĩnh vực, đa dạng về ý tưởng khoa học.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá, một ý tưởng bao giờ cũng xuất phát từ cơ sở khoa học. Tiêu chí đánh giá dự án không chỉ căn cứ vào sản phẩm cuối cùng mà từ các sản phẩm đó để đánh giá năng lực nghiên cứu của HS.

“Do đó, cuộc thi đã thể hiện được phương châm học đi đôi với hành, thực hiện việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thể hiện được năng lực, tư duy độc lập, tư duy phát hiện… Qua đó sẽ giúp các em HS tự tin hơn, góp phần thay đổi cách dạy và học trong các trường phổ thông”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ.

Cuộc sống thực khơi nguồn sáng tạo

Tất cả các đề tài, dự án của các em HS đều thật sự đến từ những điều, hiện tượng mà các em quan sát được từ thực tế. Qua sự mày mò nghiên cứu tài liệu tham khảo, sự giúp sức từ các thầy cô cũng như sự ủng hộ từ gia đình mà các em đã biến ý tưởng của mình thành những sản phẩm độc đáo hiệu quả trong việc ứng dụng.

Em Huỳnh Minh Đăng- học sinh lớp 12 Lý (THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) hí hửng khi giới thiệu, trình bày sản phẩm về loại kính hỗ trợ giao tiếp cho người bị liệt cơ tay và không nói được. Đăng cho biết, qua quan sát thực tế, em đã mày mò và cho ra đời các bảng mã để giúp người đeo kính có thể vận dụng giao tiếp với người thân hoặc người đang chăm sóc mình.

“Cơ bản, các mã bao gồm những hành vi, những đề nghị sinh hoạt bình thường hàng ngày mà người đeo kính có thể đề xuất, thông qua thiết bị, người thân có thể hiểu được người sử dụng đang muốn gì. Từ đó giúp sức hoàn thành hành vi, có những trường hợp giúp ích rất hiệu quả trong những tình huống cần thiết, nguy hiểm…”- Đăng chia sẻ.

Trong khi đó, em Mai Hoàng Phúc- HS THPT Vĩnh Long- đã nghiên cứu để tạo ra thiết bị Bông lau bảng tiện ích 2 trong 1 bảo vệ sức khỏe trong giáo dục. Thiết bị của Phúc chế tạo ra có bộ phận hút bụi, có bộ phận lau khô, bộ phận chứa phấn,… sau khi hút.

“Hệ thống được nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tế tại trường học nên phù hợp ứng dụng thực tế. Do đó, em hy vọng thiết bị này có thể áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục, giúp bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và HS…”- Phúc chia sẻ.

Em Huỳnh Minh Đăng giới thiệu về thiết bị của mình.
Em Huỳnh Minh Đăng giới thiệu về thiết bị của mình.

Đề tài “Thiết bị tạo năng lượng và chống mất cắp cho phao dẫn luồng đường thủy nội địa” của nhóm Lê Ánh Hoàng và Trần Minh Duy (THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) được BTC đánh giá cao bởi tính cấp thiết và sự sáng tạo của các em.

“Thiết bị sử dụng định vị nên tránh được tình trạng mất cắp gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông đường thủy, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý cũng như là một giải pháp để tăng tính an toàn giao thông đường thủy hiện nay…”- đại diện nhóm chia sẻ.

Có rất nhiều đề tài được HS đem đến cuộc thi ở lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, nông nghiệp, môi trường, y khoa… đến những lĩnh vực khoa học xã hội hành vi như: “Hành vi bạo lực tinh thần ở HS THPT”, “Nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá cho HS”, “Nhận thức, thái độ của HS hiện nay về tình yêu đồng giới…” Những vấn đề thu hút sự quan tâm của giới trẻ, nhất là trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, cuộc thi đã góp phần tăng cường sự trao đổi, giao lưu giữa các nhà trường, giúp HS có thêm động lực, sự tự tin trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và các hình thức giáo dục tích cực trong nhà trường...

BTC cuộc thi đã chọn trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các đề tài xuất sắc. Đồng thời cũng chọn 6 đề tài, dự án tham dự cuộc thi cấp toàn quốc.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY