Chuyển mạng giữ số: Nhà mạng "giữ chân" khách hàng bằng cách nào?

Cập nhật, 09:28, Thứ Năm, 15/11/2018 (GMT+7)

Chuyển mạng giữ số có thể thúc đẩy cạnh tranh ngành dịch vụ viễn thông. Vậy các nhà mạng làm thế nào để giữ chân khách hàng?

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chốt thời điểm chính thức triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số từ 16/11/2018 cho thuê bao di động trả sau và 1/1/2019 cho toàn bộ thuê bao di động của 3 nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietnamobile. Đây được ví như phép thử đối với nhà mạng trong việc "giữ chân" thuê bao.

Chuyển mạng giữ số đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ để giữ chân khách hàng.
Chuyển mạng giữ số đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ để giữ chân khách hàng.

Rất nhiều thuê bao di động như ông Nguyễn Văn Khánh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội biết đến thông tin về việc chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao di động.

Nếu như trước đây, việc chuyển mạng đồng nghĩa với việc phải thay đổi số điện thoại, gây mất liên lạc, bất tiện và tạo tâm lý e ngại cho người dân thì nay với chính sách này, việc lựa chọn nhà mạng hay dịch vụ mong muốn được thuận tiện hơn.

"Số điện thoại của tôi là số dùng để làm ăn, kinh doanh hàng chục năm nay rồi. Tất cả bạn bè, đối tác đã quen thuộc với số này rồi. Nếu bây giờ được chuyển mạng nhưng vẫn giữ nguyên số thì rất tiện lợi cho tôi", ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

Bà Nguyễn Lê Chi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng cảm thấy rất phấn khởi với thông tin được chuyển mạng giữ số trong mấy ngày tới đây.

Bà cho rằng, "việc thực hiện chuyển đổi thế này tạo sự linh hoạt, hài hòa cho khách hàng. Nhất là việc chuyển mạng giữ số được thực hiện không giới hạn số lần như vậy sẽ buộc các nhà mạng phải cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ và khách hàng thực sự mới là "thượng đế", chứ không phải chạy theo nhà mạng nữa".

Đến thời điểm này, 3 nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone, Mobifone tham gia thực hiện đợt chuyển đổi đầu tiên này đều đã sẵn sàng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm tính cước, kênh bán hàng, đào tạo đội ngũ...sẵn sàng phục vụ người dân thực hiện chuyển mạng giữ số.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Vinaphone cho hay, dịch vụ chuyển mạng giữ số đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng cũng như cộng đồng.

Khách hàng có được nhiều sự lựa chọn hơn. Ngoài ra khi rào cản về chuyển mạng giữ số không còn, các nhà mạng sẽ phải tập trung nhiều hơn vào công tác nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Mobifone cho rằng, theo kinh nghiệm trên thế giới, số lượng khách hàng thực hiện chuyển mạng giữ số khoảng 4-5%, nhưng lại tạo được nhiều hiệu ứng tích cực đối với hành vi của người dùng và thúc đẩy cạnh tranh tích cực, tạo bước tiến lớn về dịch vụ viễn thông.

Theo bà Trương Thị Huyền, Phòng phát triển chiến lược thị trường Viettel, tuy chưa biết cụ thể hiệu ứng do chuyển mạng giữ số tại Việt Nam sẽ thế nào nhưng đây là cơ hội để các nhà mạng xem xét lại dịch vụ của mình để phục vụ khách hàng tốt hơn.

"Chúng tôi cho rằng không thể thu hút khách hàng bằng các gói khuyến mãi hay ưu đãi do số lượng thuê bao đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng.

Muốn thu hút khách hàng hiện nay, cần phải hoàn thiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng", bà Huyền cho hay.

Giới chuyên gia nhận định, mong muốn của người sử dụng là chất lượng dịch vụ làm sao phải tốt, tương xứng với các nước trong khu vực và quốc tế, từ chất lượng cuộc gọi, chất lượng vùng phủ sóng, cước phí phải chi trả...

Theo các nhà mạng, cước phí chuyển đổi dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là 60.000 đồng. Các thuê bao di động có 45 ngày để hoàn tất các nghĩa vụ cam kết và thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp chuyển đi.

Thời gian này được tính kể từ khi Trung tâm chuyển mạng (Bộ TT&TT) gửi tin nhắn thông báo lịch chuyển mạng./.

Theo VOV