Mắt bionic công nghệ in 3D có thể phát hiện ánh sáng

Cập nhật, 08:34, Thứ Bảy, 08/09/2018 (GMT+7)

Các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Minnesota (Mỹ) vừa thực hiện thành công một bước quan trọng trong việc chế tạo con mắt bionic (kỹ thuật sinh học) đầu tiên trên thế giới, điều này có thể mang lại cho hàng triệu người mù cơ hội được nhìn thấy trở lại.

Cụ thể, họ đã tạo ra một nhãn cầu nhân tạo lần đầu tiên sử dụng công nghệ in 3D, có khả năng phát hiện những thay đổi về mức độ ánh sáng.

Mắt bionic bắt chước chức năng của võng mạc để phục hồi thị giác, hoạt động song song với một bộ cấy để chuyển đổi hình ảnh nó nhìn thấy thành xung điện cho các tế bào võng mạc, mang tín hiệu hình ảnh trở lại não.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật in 3D, các nhà khoa học đã có thể chế tạo nguyên mẫu nhanh hơn nhiều so với những nỗ lực trước đó- mang lại hy vọng giải pháp thương mại khả thi trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu cho biết, bước tiếp theo là tạo ra một nhãn cầu nguyên mẫu với nhiều thụ thể ánh sáng hơn để tái tạo chất lượng cảnh quan lớn hơn. Họ cũng đang tìm cách in 3D cùng một công nghệ lên vật liệu mềm hơn, sau đó có thể được đưa vào ổ mắt thật. Mắt bionic cũng có thể được sử dụng để nâng cao tầm nhìn của những người đang nhìn thấy.

“Mắt bionic thường được xem như khoa học viễn tưởng, nhưng hiện chúng tôi đã tiến gần hơn bao giờ hết khi sử dụng máy in 3D đa vật liệu”- Michael McAlpine- đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có bộ phận cơ thể bionic in 3D. Vài năm trước, các nhà khoa học đã tạo ra một “tai bionic” hay các cơ quan nhân tạo như thật được in 3D để thực hành phẫu thuật.

HẢI HUỲNH (Nguồn: the journal Advanced Materials)