"Kỳ tích" của học trò vùng sâu...

Cập nhật, 09:59, Thứ Bảy, 15/09/2018 (GMT+7)

Từ 1.300 học sinh tại nhiều trường tiểu học ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long; 7 em học sinh của huyện Vũng Liêm góp mặt trong số 14 em xuất sắc nhất, được tặng một chuyến tham quan Singapore từ Google…

Người thầy tâm huyết ươm mầm trẻ

Thầy Nguyễn Minh Tuấn.
Thầy Nguyễn Minh Tuấn.

Hơn 7 năm qua, thầy Nguyễn Minh Tuấn (giáo viên Trường THCS Hiếu Phụng) là gương mặt quen thuộc, luôn đồng hành cùng học trò trong nhiều cuộc thi tin học trẻ, sáng tạo khoa học kỹ thuật,…

Niềm vui của thầy giáo vùng sâu là được thỏa đam mê giảng dạy, nghiên cứu tin học và truyền lại tình yêu ấy cho các học trò “vừa có năng khiếu vừa hết sức hồn nhiên”.

Thầy Tuấn cho biết, cuộc thi “Lập trình tương lai cùng Google” là chương trình hoàn toàn miễn phí do Google Châu Á- Thái Bình Dương phối hợp cùng Trung tâm Phát triển cộng đồng Mê Kông và Tổ chức The Dariu Foundation triển khai từ tháng 5- 8/2018 và vừa được tổng kết tại TP Hồ Chí Minh.

Các em sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch tương tác trực quan, đồ họa sống động, sản phẩm liền tay mà vẫn đảm bảo tính khoa học, tính liên thông tri thức sau này.

Khi sử dụng Scratch, thay vì phải viết những dòng lệnh logic có phần phức tạp với trẻ thì các em chỉ cần kéo thả các khối lệnh đầy màu sắc có sẵn để lắp ghép thành một kịch bản điều khiển các đối tượng trên sân khấu biểu diễn.

Theo thầy Tuấn: “Chương trình này dễ học nên học trò rất thích, chỉ cần dạy 4 tiết những kiến thức cơ bản, cùng với khả năng tiếp thu tốt khả năng phối hợp nhóm thì các em đã mày mò biến ý tưởng thành những sản phẩm đa dạng từ bài học về an toàn giao thông, ô luyện tiếng Anh, trò chơi làm Toán, luyện chính tả, học Địa lý,… vừa học mà vừa tự tạo nên những trò chơi giải trí sau giờ học”.

Đối với những người dạy sáng tạo, điều khó khăn cũng là điều tuyệt vời nhất là truyền đam mê cho học trò và tạo điều kiện kích thích những ý tưởng, khả năng tiềm tàng của các em. Ngoài việc định hướng, góp ý cho các sản phẩm, thầy Tuấn thường góp nhặt những đối thoại “tếu táo”, ý tưởng thú vị của học trò để đưa vào lập trình- đây chính là điểm khác biệt so với nhiều dự án khác.

“Tôi ấn tượng nhất ở các học trò là các em quá… hồn nhiên. Em này khoe vừa làm được trò chơi hái táo thì em kia nghĩ ra trò chơi hứng táo, em khác lại nghĩ ra con cọp hả họng hứng con thỏ. Sáng tạo là không có giới hạn và đôi lúc lại ghi điểm nhờ những ý tưởng mới, từ suy nghĩ hồn nhiên”- thầy Tuấn cười, chia sẻ.

Tiếp xúc với thầy Tuấn, rất dễ cảm nhận được đây là một người có niềm đam mê sâu sắc với tin học. Và hơn ai hết, từ chính những đam mê, nghiên cứu đó đã thôi thúc thầy truyền lại cho các em học sinh.

Thầy Tuấn tâm sự, cuộc đời làm thầy giáo chính là đem kiến thức của mình truyền đạt cho học sinh và với lứa tuổi này, việc truyền cảm hứng sẽ giúp các em thật sự có được niềm đam mê, có được sự khát vọng tìm tòi…

Cho trẻ tự do “lập trình tương lai”

Các học sinh đạt giải quây quần bên thầy Nguyễn Minh Tuấn với niềm vui khó tả.
Các học sinh đạt giải quây quần bên thầy Nguyễn Minh Tuấn với niềm vui khó tả.

Dự án “Lập trình tương lai cùng Google” với mục tiêu ươm mầm ước mơ, đam mê khoa học máy tính cho trẻ em khi 100% các em hoàn thành khóa học đều có thể tạo ra sản phẩm lập trình của mình bằng ngôn ngữ Scratch.

Dự án đã thu hút 800 sản phẩm đăng ký là tín hiệu đáng mừng, đây là những hạt nhân tốt để ước mơ và đam mê về khoa học máy tính được lan tỏa sâu rộng hơn.

Lập trình không còn là một kỹ năng xa vời, một môn học khô khan với trẻ em mà có thể là những tiết học nhiều niềm vui, sáng tạo, nhiều hữu ích cho các em trong thế giới công nghệ tương lai.

Chẳng đặt nặng thành tích, các em đến với cuộc thi như tham gia sân chơi để có cơ hội va chạm và học hỏi thêm những điều mới.

Thầy Tuấn kể: Kỷ niệm nhớ đời, cả nhóm nhắc đến lại cười rần lên là em Nguyễn Thanh Long (lớp 2/1, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quỳ) chỉ còn 10 phút nữa đến lượt thuyết trình mà em vẫn… nằm ngủ, trong khi các bạn khác người thì hồi hộp, người run rẩy ôn bài. Nhưng chính sự tự tin và hồn nhiên giúp các em chinh phục được các ban giám khảo.

Chặng đường đến với tri thức của các em học trò vùng sâu chẳng dễ dàng khi hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học vẫn còn nhiều hạn chế.

Em Nguyễn Thị Mỹ Quyền (lớp 5, Trường Tiểu học Trung Hiếu B) thường vẽ lên tập những ước mơ, những người yêu mến của em và được lập trình Scratch là niềm vui khó mà diễn tả được: “Con mừng dữ lắm vì cô cho học mà hổng lấy tiền.

Gia đình nghèo nên ngày nào hổng đi học thì đi bán vé số phụ mẹ. Được học, lớn lên con ước mơ làm cô giáo dạy tin học, giúp cho mấy đứa học sinh nghèo như các cô đã làm”- Quyền cho biết.

Em Trần Tiến Đạt trình diễn dự án đạt giải của mình.
Em Trần Tiến Đạt trình diễn dự án đạt giải của mình.

Đến với cuộc thi, em Nguyễn Minh Long (lớp 5/2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quỳ) và em Trần Tiến Đạt (lớp 6, Trường THCS Trung Hiếu) cho ra đời sản phẩm “An toàn giao thông”.

Đạt cho biết khi đạt giải mình rất vui và háo hức khi sắp được đi tham quan một đất nước tiên tiến, nổi tiếng với nền công nghệ thông tin. Đặc biệt là sắp được gặp các cô chú là kỹ sư của một công ty công nghệ hàng đầu thế giới- Google.

Trong khi đó, khi được hỏi đã chuẩn bị gì cho chuyến đi Singapore sắp tới, em Tăng Minh Hoàng (lớp 2/4, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quỳ) tự tin “khoe” mấy câu tiếng Anh đã tập luyện thật kỹ để giới thiệu với các kỹ sư Google…

Chị Phạm Thị Diễm Hương- phụ huynh của bé Nguyễn Thanh Trúc (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quỳ) chia sẻ: “Từ lớp 1 con bé đã thích máy tính.

Thấy con thích nên vợ chồng tôi cố hết sức tạo điều kiện tốt nhất cho con được học, khó khăn bao nhiêu cũng cố gắng.

Những bé lớn lên ở quê ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ, cơ sở vật chất hiện đại, những chương trình thế này rất ý nghĩa và tôi mong muốn các bé có thể tham gia nhiều chương trình hơn thế nữa. Bé Trúc và các con ở quê nhưng đạt được thành tích này là điều rất tự hào đối với các phụ huynh”.

Có người từng nói rằng “kỳ tích là tên gọi khác của sự cố gắng” và tình yêu dành cho đam mê, nỗ lực của thầy và trò ở huyện Vũng Liêm đã mang về thành tích đáng nể phục. Chuyến đi Singapore sắp tới là cơ hội đặc biệt để các em gặp gỡ, giao lưu cùng các kỹ sư Google, tiếp thêm tinh thần học hỏi, niềm đam mê, nhiệt huyết về công nghệ nói chung và lập trình nói riêng, tạo động lực tất cả các em thiếu nhi cố gắng, tự tin làm điều mình thích…

Tuy đang vui mừng nhưng chị Diễm Hương cũng cho rằng, điều kiện học tập của học sinh, nhất là học sinh ở nông thôn còn nhiều hạn chế, trong đó có việc thiếu máy tính, thiếu giáo viên,… để tiếp thêm “đôi cánh” ham học hỏi cho các em.

“Tôi cho rằng, trong thời đại hiện nay, ngoài chăm chỉ học tập, các em cũng cần làm quen với máy tính, qua đó, những em thật sự có niềm đam mê với ngành học này mới được phát hiện, bồi dưỡng ngay từ bậc tiểu học…”- chị Hương nói.

Có 3 dự án của 7 học sinh tiểu học huyện Vũng Liêm sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch là: dự án “An toàn giao thông” do em Nguyễn Minh Long (lớp 5/2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quỳ) và em Trần Tiến Đạt (lớp 6, Trường THCS Trung Hiếu) tham gia; dự án “Học tập với hươu cao cổ” do 3 em Tăng Minh Hoàng (lớp 2/4), em Nguyễn Thanh Trúc (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quỳ) cùng hợp tác với em Nguyễn Thị Mỹ Quyền (lớp 5, Trường Tiểu học Trung Hiếu B) và dự án “Thế giới diệu kỳ” của em Nguyễn Hoàng Quý (lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Kiên), em Nguyễn Thanh Long (lớp 2/1, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quỳ) cùng nhau tạo ra sản phẩm.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- PHƯƠNG THÚY