Đèn chạy bằng trọng lực

Cập nhật, 05:29, Chủ Nhật, 08/04/2018 (GMT+7)

Đèn điện, đèn Mặt trời... và giờ đây nhân loại có cả đèn chạy bằng trọng lực.

Đèn sẽ được treo lên độ cao khoảng 1,8m tính từ mặt đất.
Đèn sẽ được treo lên độ cao khoảng 1,8m tính từ mặt đất.

Khi chúng ta đang ngồi đây với những thiết bị điện tử hiện đại, sử dụng những sản phẩm tiên tiến nhất của công nghệ và vẫn chưa cảm thấy hài lòng, thì đâu đó trên Trái đất này, có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới chẳng biết đến ánh sáng đèn điện là như thế nào.

Họ phải sử dụng những chiếc đèn dầu- vừa không đủ sáng, vừa hại cho sức khỏe và cả môi trường. Vậy nên, có thể nói phát minh đèn trọng lực có ý nghĩa cực kỳ lớn.

Thực trạng đáng buồn

Khi sử dụng những chiếc đèn đốt bằng dầu hỏa thì ngoài sự bất tiện, tiềm năng xảy ra hỏa hoạn… đèn dầu phải chịu trách nhiệm cho 3% lượng khí CO2 trên toàn cầu và gây ra nhiều bệnh hô hấp cho người sử dụng.

Đáng buồn hơn nữa, trong số những ca tử vong được chẩn đoán do nhiễm độc bởi khí đốt đèn có không ít trẻ em. Và mặc dù được coi là giải pháp “tiết kiệm” hơn đèn điện, có những vùng đã thống kê rằng đèn dầu hỏa cũng ngốn tận… 30% thu nhập vốn đã ít ỏi của người dùng.

Giải pháp thông minh

Quá trình phát minh và đưa chiếc đèn trọng lực đến tay người cần nó đã trải qua rất nhiều thử thách, song bằng sự kiên trì và tâm huyết của nhóm sáng chế gồm 8 người thì mọi thứ đều được hoàn thành.

Chiếc đèn LED có tên gọi GravityLight ra đời đã khắc phục được tất cả những yếu điểm của đèn dầu: không độc hại, không cần chi phí mua nhiên liệu đốt và không gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản chưa tốn đến một phút, người dùng đã có thể thắp sáng một khoảng không gian khá lớn.

Quan trọng hơn, họ có thể yên tâm tuyệt đối vì đèn không tạo bất kỳ loại khí thải độc hại nào do không chạy bằng chất đốt, mà vận hành nhờ 2 dạng năng lượng rất đặc biệt: động năng và thế năng.

Thế năng được hiểu đơn giản là dạng năng lượng vật tích trữ khi nó ở một độ cao nhất định so với mặt đất. Còn động năng là năng lượng mà vật có được từ chuyển động.

Và thứ tạo ra 2 dạng năng lượng này? Chính là trọng lực, mà trọng lực thì miễn phí! Nói cách khác, chính Trái đất đã “trả phí” cho quá trình sử dụng điện của loại đèn này.

Cách sử dụng đèn trọng lực

Đèn sẽ được treo lên độ cao khoảng 1,8m tính từ mặt đất. Một chiếc túi nặng từ 9-12kg sẽ được treo vào chiếc móc có sẵn. Thường thì người ta tận dụng các vật dụng nặng trong nhà để thêm trọng lượng cho chiếc “tạ” này. Sau đó, chỉ cần kéo sợi dây màu cam xuống, túi tạ sẽ lơ lửng, dự trữ một thế năng lớn cho chiếc đèn.

Sau mỗi giây, tạ sẽ tụt xuống khoảng 1mm. Khi đó thế năng chuyển hóa thành động năng và động năng làm cho đèn sáng.

Năng lượng tạo ra vào khoảng 1/10W, cung cấp năng lượng cho hệ thống đèn LED phía trong và chúng sáng hơn 5 lần so với đèn dầu. Sau khoảng 20 phút, tạ sẽ chạm đất và đèn tắt nên người dùng sẽ phải thao tác lại để “bật” nó lên.

Đèn trọng lực hiện đang được nghiên cứu để cải tiến thêm, nhưng các phiên bản cũ đã được sử dụng ở một số vùng, điển hình là Kenya, Ấn Độ… Giá của một chiếc đèn không quá cao với những gì nó mang lại, khoảng từ 5- 80USD (khoảng 100.000- 2.000.000đ)- tùy vào nhu cầu của người dùng.

Theo nghiên cứu mới đây từ ĐH California Berkeley và Illinois (Mỹ), đèn dầu hỏa gây nguy hại cho môi trường nghiêm trọng hơn những gì chúng ta nghĩ.

Nguyên lý hoạt động đèn trọng lực: Tạ (bao cát hoặc sỏi nặng 9- 12kg) treo bằng hệ thống ròng rọc. Đưa tạ lên sát đèn sau đó buông tay. Tạ sẽ theo lực hấp dẫn trôi từ từ xuống dưới để tạo năng lượng cung cấp cho đèn chiếu sáng trong vòng 30 phút. Sau đó tiếp tục lặp lại thao tác trên.

Khối đèn còn được thiết kế để dùng cho các thiết bị khác kết nối vào nó như radio, pin sạc với các cổng ở mặt trước. Độ sáng tối của đèn cũng được tùy chỉnh để tăng thời gian hoạt động.

ĐÔNG PHƯƠNG (tổng hợp)