Có một Stephen Hawking như thế!

Cập nhật, 19:56, Thứ Sáu, 16/03/2018 (GMT+7)

Hawking quyết tâm không để điều gì cản trở công việc nghiên cứu của mình. "Ông ấy nghĩ mình không còn sống được lâu nữa, và ông ấy thực sự muốn làm được nhiều nhất có thể"- nhà vật lý Roger Penrose cho biết.

Những ngày qua, thông tin nhà khoa học vũ trụ Stephen Hawking qua đời đã để lại nhiều tiếc nuối và bài học về giá trị cuộc sống. Với ông Stephen Hawking, đúng là “còn sống còn làm việc và học tập, còn sống còn lao động và chiến đấu”.

Nhà vật lý vũ trụ thiên tài Stephen Hawking.
Nhà vật lý vũ trụ thiên tài Stephen Hawking.

Stephen Hawking đã sống một cuộc đời khác thường, ngay cả ngày sinh và ngày mất của ông cũng rất đặc biệt. Ông sinh ngày 8/1/1942 đúng 300 năm sau ngày mất của Galileo Galilei- người đặt nền móng cho khoa học hiện đại. Ông mất ngày 14/3/2018, là ngày sinh nhật Albert Eistein và cũng là ngày kỷ niệm hàng năm hằng số toán học nổi tiếng- số Pi.

Sinh thời, Stephen Hawking thích được người ta xem “trước hết như một nhà khoa học, thứ đến như một nhà văn phổ biến khoa học và cuối cùng là một người bình thường với những ước mơ, nghị lực, ham muốn và tham vọng”.

Thiên tài từng phải... “học tủ”

Hồi còn học phổ thông, mặc dù được các bạn ở trường gọi là “Eistein”, Hawking không phải là một học sinh thành công trong học tập.

Thậm chí có giai đoạn mải tham gia hoạt động ngoại khóa, ông thừa nhận đã phải “học tủ” để vượt qua các bài kiểm tra. Tuy nhiên, theo thời gian, ông ngày càng quan tâm hơn đến các môn khoa học và tốt nghiệp ĐH Oxford với điểm tốt nghiệp cao nhất lớp.

Luôn lạc quan, nhìn về phía trước, Hawking từng chia sẻ về những quan điểm sống: “Hãy nhớ ngước nhìn lên những vì sao và đừng cúi gằm xuống chân. Hãy cố hiểu những gì bạn thấy và những điều giúp hành tinh này tồn tại”.

Khi vừa tròn 21 tuổi, năm 1963, cuộc sống của ông đã hoàn toàn thay đổi khi ông bị chẩn đoán mắc chứng bệnh xơ cứng teo cơ.

Căn bệnh làm Hawking giảm khả năng kiểm soát cơ thể, ông chỉ có thể cử động ngón tay và mắt nhưng trí tuệ không bị ảnh hưởng.

Ông không bị khuất phục bởi cú đánh này, ông nói: “Dưới bóng mây đe dọa của cái chết, tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng mình lại tận hưởng cuộc sống nhiều hơn trước”.

Ban đầu ông dùng nạng để di chuyển, sau đó phải dùng đến xe lăn. Sau một thời gian ngắn rơi vào trạng thái buồn chán, ông bắt đầu không ngừng nghiên cứu khoa học.

Bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hawking là năm 1970, khi ông cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ. Những đóng góp quan trọng của ông được tiếp tục thực hiện qua những năm 1980, trong đó có lý thuyết lạm phát vũ trụ miêu tả vũ trụ trải qua một thời kỳ giãn nở khủng khiếp.

Năm 1982, Hawking là một trong những người đầu tiên chỉ ra thăng giáng lượng tử “những biến đổi nhỏ phân bố vật chất” qua thời kỳ lạm phát vũ trụ có thể hình thành nên các thiên hà trong vũ trụ.

Trong những gợn thăng giáng vật chất đó có những mầm mống hình thành nên những ngôi sao, hành tinh và sự sống như ta biết. “Đó là một trong những ý tưởng đẹp nhất trong lịch sử khoa học”- GS. Max Tegmark ở Viện Công nghệ Massachusetts nhận xét.

Tác giả cuốn sách khoa học bán chạy nhất mọi thời

Hawking quyết tâm không để điều gì cản trở công việc nghiên cứu của mình. “Ông ấy nghĩ mình không còn sống được lâu nữa, và ông ấy thực sự muốn làm được nhiều nhất có thể”- nhà vật lý Roger Penrose cho biết.

Với một cơ thể bất động, được hỗ trợ bằng một cỗ máy đặc biệt Stephen viết nhiều sách phổ biến khoa học. Thế giới biết tới ông từ năm 1988 khi ông xuất bản cuốn sách đầu tiên: “Lược sử thời gian”.

Cuốn sách này cho tới nay đã bán được khoảng 10 triệu bản trên toàn cầu và trở thành một trong những cuốn sách khoa học vũ trụ bán chạy nhất mọi thời.

Vào giai đoạn cuối đời, căn bệnh của Hawking khiến ông hầu như bị tê liệt toàn thân và gần như không thể nói chuyện được nữa dù phải dùng đến máy móc hỗ trợ.

Đây cũng là một yếu tố khiến nhiều người nhìn nhận ông là một thiên tài, khi các thành tựu quá lớn được tạo ra dưới một cơ thể bị dằn vặt bởi một căn bệnh hiểm nghèo.

“Từ sau Albert Einstein, chưa có nhà khoa học nào thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng và được hàng chục triệu người trên thế giới yêu mến như thế”- GS. Michio Kaku ở ĐH New York chia sẻ.

Cuộc đời và ý chí vượt qua số phận của Stephen Hawking đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều tầng lớp công chúng, đặc biệt các bạn trẻ đam mê khoa học. Ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn, mãn nguyện là một nhà khoa học, một nhà văn và một người bình thường.

Không chỉ là nhà khoa học đình đám đưa ra các lý thuyết, luận giải về tương lai của vũ trụ, nhân loại mà Stephen Hawking cũng là người trực tiếp đầu tư các dự án “khủng” đưa con người vào vũ trụ.

Tuy được mệnh danh là “ông hoàng” vật lý vũ trụ, Stephen Hawking chưa từng nhận được giải thưởng Nobel danh giá bởi cho đến nay chưa ai có thể chứng minh được lý thuyết của ông.

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo TTO/báo Kiến thức)