Nét ''duyên" của ca dao Nam Bộ trong tình yêu đôi lứa

Cập nhật, 21:32, Chủ Nhật, 25/04/2021 (GMT+7)

Ca dao phản ánh cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước, nó như kho tàng lịch sử của dân tộc, nên đến với ca dao là đến với cội nguồn, nơi phát sinh nét đẹp văn hóa, tinh thần.

Ca dao nói chung và ca dao Nam Bộ nói riêng đều thể hiện tình yêu quê hương đất nước, đạo vợ chồng, tình yêu nam nữ, lời than thở hay tiếng ca trong sinh hoạt hàng ngày... Ca dao Nam Bộ thể hiện cuộc sống giản dị, đan xen bao buồn vui, hoàn cảnh, lối sống, tâm tư tình cảm của con người Nam Bộ.

Nghệ thuật của ca dao rất tinh vi, tinh tế, đáp ứng mật thiết với nội dung phong phú. Cách dùng chữ, những lối biến thể, những lối hình tượng hóa, cụ thể hóa, nhân cách hóa, sát với thực tế biểu hiện ở nội dung, làm cho ca dao trở nên những câu hát rất thắm thiết về mặt trữ tình, cũng như về mặt phản ánh cuộc đời của nhân dân lao động” (“Tục ngữ- ca dao- dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, NXB Văn học, 2007).

Theo cách nói của người dân Nam Bộ sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện ngộ nghĩnh, thẳng thắn, chân thật và dung dị đã tạo nên chất “duyên” thường thấy trong ca dao tình yêu Nam Bộ.

Nét duyên chân thật trong cách sử dụng từ ngữ không hề trau chuốt đến độ người nghe phải giật mình vì sự mạnh dạn, táo bạo:

“Chuột kêu chút chít trong rương

Anh đi cho khéo kẻo đụng giường mẹ hay”

Đó là tình cảm chân thật của một cô gái trẻ đang yêu, quyết yêu và nhắc khéo người yêu khi lén vào giường của mình phải cẩn thận kẻo cha mẹ phát hiện.

Hay sự liều lĩnh của một chàng trai đã yêu rồi thì dù dao phay kề cổ, dù có chết đi chăng nữa cũng quyết một lòng, một dạ với tình yêu:

“Dao phay kề cổ, máu đổ không màng

Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông”

Sự rạch ròi trong tình yêu:

“Bần gie, bần liệt, diệc đau chờ mồi

Anh với em duyên nợ hết rồi

Đi tìm chỗ khác đừng ngồi kế em”

Câu ca dao thể hiện sự thẳng thắn, bộc trực và dứt khoát trong tình yêu của cô gái với chàng trai đã hết nợ, hết duyên ngồi gần nhau cũng không được,
không nên.

Duyên trong nỗi tương tư của hai người khi nhớ về nhau:

“Phải chi cắt ruột đừng đau

Chiều nay tui cắt ruột tui trao anh đem về”

 

“Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại,

Đem anh treo tại nhánh bần.

Rủi đứt dây mà rớt xuống,

Anh cũng lần mò kiếm em”

Ông bà xưa hay nói “con trai thì yêu bằng mắt, còn con gái thì yêu bằng tai” vì vậy mà thể hiện nỗi nhớ nhung, tương tư của 2 người đang yêu thì cô gái và chàng trai đều nói lên nỗi nhớ thương của mình, nhưng cách nói đó là một nét duyên làm cho tình cảm của họ gắn bó và yêu thương nhiều hơn.

Duyên trong cách nói gần, nói xa, nói bóng gió, muốn cưới vợ, muốn lập gia đình, nhưng ngại mở lời với người yêu:

“Phòng loan trải chiếu rộng thình

Anh lăn qua đụng cái gối, tưởng bạn mình, em ơi!”

Duyên vòng vo theo cách nói của người Nam Bộ nói theo kiểu năm non bảy núi:

“Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh

Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương”

Khen vợ mình đẹp, vợ mình dễ thương thông thường thì người ta nói thẳng, nhưng tác giả ca dao lại nói vòng vo qua mấy đời rồi mới nói vợ mình dễ thương.

Duyên mang tính dí dỏm, hài hước theo kiểu “bác Ba Phi” nói quá lên so với sự thật để chứng tỏ tình yêu của chàng trai dành cho cô gái đã đủ lớn không thể xa rời một phút giây nào nữa:

“Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa

Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều”

Duyên trong cách tạo sự bất ngờ cho người đọc phải lo lắng, suy nghĩ ở câu đầu và phì cười ở câu tiếp theo:

“Gá duyên chẳng đặng hội này

Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô”

Hay nói quá lên sự nhớ thương da diết:

“Anh xa em chưa đầy một tháng

Nước mắt lai láng hai mươi tám đêm ngày”

Duyên trong thể hiện sự miệng lưỡi đường mật làm người nghe êm tai:

“Thương sao thương quá bất nhơn

Bữa nay gặp mặt thương hơn bữa nào”

Hay là:

“Anh thương em

Thương lún thương lục

Thương lột da óc

Thương trọc da đầu

Ngủ quên thì nhớ

Thức dậy thì thương”

Ca dao viết về tình yêu là vốn quý của ca dao Nam Bộ, một bộ phận không tách rời của ca dao Việt Nam, được cư dân Nam Bộ sáng tác, được lưu hành trong khu vực và chắc chắn sẽ còn tồn tại mãi với thời gian.

Ca dao nói chung và ca dao Nam Bộ nói riêng tuy không thể so sánh như một pho lịch sử chính thức nhưng nó có tác dụng như một quyển sử, một minh chứng cho cuộc sống trong chiến đấu, trong xây dựng và trong sinh hoạt đời thường. Ca dao là thứ bia miệng ghi lại cả quá trình biến thiên của lịch sử.

Hầu hết ca dao Việt Nam đều có mảng viết về tình yêu đôi lứa, ca dao Nam Bộ cũng không ngoại lệ. Đây là một đề tài không bao giờ cùng tận vì bản thân nó luôn mang nhiều sắc thái mới mẻ trong tình yêu với nhiều chủ đề: tương tư, ngại ngùng, tỏ tình, hẹn ước, phụ bạc… là những giai đoạn phát triển của tình yêu và mỗi giai đoạn lại mang những cung bậc, sắc thái riêng biệt.

Nét duyên, hóm hỉnh, tinh nghịch, được thể hiện trong tình yêu của ca dao Nam Bộ, đó là món ăn, là một loại vũ khí tinh thần của người lao động để động viên, cổ vũ tinh thần lạc quan vào tình cảm của con người dành cho nhau đặc biệt là của giới trẻ. Những đức tính hiền lành, giản dị, thật thà, chân chất, phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài của các cô gái, chàng trai đất phương Nam đã lưu lại trong lời ca câu hát trên vùng đất mới của quê hương và được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ.

BÙI HẰNG